Trình bày sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng

Trình bày sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng

0 bình luận về “Trình bày sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng”

  1. Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên gieo hạt giống Mác – Lênin trên đất nước Việt Nam, làm cho cách mạng Việt Nam nở hoa kết quả. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và dày công đào tạo cho Đảng ta một đội ngũ cán bộ ưu tú, chăm lo xây dựng Đảng ta thành một khối đoàn kết, thống nhất, vững mạnh.Từ khi còn ít tuổi, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đau xót trước cảnh đồng bào sống dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến. Trước hoàn cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, đói rét, với khát vọng giải phóng dân tộc, ngày 05/6/1911, Người đã rời Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn – Gia Định sang phương Tây để học tập kinh nghiệm cách mạng để “về giúp đồng bào”.

    Suốt nhiều năm bôn ba, Người đã đặt chân đến nhiều nước, tiếp xúc với nhiều lớp người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Hướng đi của Người trước hết là sang Pháp, Mỹ, Anh và nhiều nước thuộc địa của đế quốc, thực dân. Cuộc tìm kiếm lịch sử và cuộc hành trình ra thế giới đã mở rộng nhận thức của Người về vấn đề dân tộc và con người. Người đã thấy không chỉ dân tộc mình mất tự do mà nhiều dân tộc khác cũng “cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của của chế độ thực dân” và không chỉ đồng bào mình bị đối xử như nô lệ mà nhân dân lao động các nước khác không kể chủng tộc, màu da hay quốc tịch cũng “đều là nạn nhân của một kẻ sát nhân: chủ nghĩa tư bản đế quốc”, Người nhận xét: “Vậy là dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột, mà cũng chỉ có mỗi một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”. Có thể nói, nhận thức đó đã bổ sung thêm tiêu chuẩn cho Người trong sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam, con đường đó phải giải quyết vấn đề dân tộc và con người không chỉ cho dân tộc và con người Việt Nam mà cho tất cả các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động bóc lột trên toàn thế giới.


    Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, đây là sự kiện rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử loại người. Cuộc cách mạng này đưa học thuyết của C.Mác từ sách vở trở thành hiện thực đầu tiên, đưa cách mạng thế giới bước sang thời đại mới, thời đại quá độ từ Chủ nghĩa tư bản lên Chủ nghĩa xã hội. Cùng thời điểm đó, Người từ nước Anh trở lại nước Pháp và tham gia các hoạt động chính trị. Với hành trang chủ nghĩa yêu nước – nhân văn truyền thống và với những nhận thức mới về dân tộc và con người, đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng tiến bộ nhất lúc đó ở Pháp. Tháng 6/1919, các nước thắng trận họp Hội nghị hòa bình ở Vécxây (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách của những người An Nam, bản yêu sách gồm 8 điểm, đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, đây là lần đầu tiên những quyền lợi cơ bản, chính đáng, thiết thực của nhân dân Việt Nam được nêu ra trong diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ ““chủ nghĩa Uynxơn” chỉ là một trò bịp bợm lớn”. Từ thực tiễn đó, Người càng khẳng định ý tưởng phải giải quyết vấn đề dân tộc và con người theo một học thuyết khoa học – cách mạng khác học thuyết tư sản và bằng một con đường cách mạng triệt để. Trong quá trình hoạt động, tư tưởng và lý luận của Người đã hướng đến sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác Lênin.

    Tháng 7/1920, tại thủ đô Pa-ri nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã được đọc bản “Sơ thảo luần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanite (Nhân đạo), số ra ngày 16 và 17/7/1920, Người đã đọc đi đọc lại nhiều lần và qua lăng kính chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người tìm thấy ở đó con đường đúng đắn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân sau gần mười năm tìm kiếm. Để nói lên niềm vui và hạnh phúc của Bác khi bắt gặp Luận cương của Lênin, trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” nhà thơ Chế Lan Viên đã viết “…Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc: Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”. Bằng trí tuệ thiên tài và quá trình hoạt động cách mạng của Người, vượt qua sự hạn chế trong chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu và của các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin và đi vào con đường cách mạng vô sản. Người xác định thái độ ủng hộ việc gia nhập Quốc tế Cộng sản tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (12/1920), tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản do V.I.Lênin thành lập). Đây là sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản. Từ một người yêu nước chân chính, Người đã trở thành một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, những năm hoạt động trong phong trào cộng sản, phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, học tập kinh nghiệm của Đảng Cộng sản, kinh nghiệm của Liên Xô – quê hương Cách mạng tháng Mười, Người đã tích lũy được những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, và hình thành dần dần đường lối cứu nước. Người đi đến khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Công lao vĩ đại đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin”. Được chủ nghĩa Mác – Lênin soi sáng, Nguyễn Ái Quốc “vụt lớn lên, ngang tầm sứ mệnh của con người làm ra lịch sử”

     Trong những năm hoạt động ở nước ngoài, tâm hồn và nghị lực của Nguyễn Ái Quốc luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam, luôn ở bên cạnh đồng bào. Tên đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tờ báo “Người cùng khổ” và cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” nhắc lại thời kỳ hoạt động cách mạng rất có ý nghĩa của Người. Người tranh thủ mọi cơ hội và vận dụng mọi khả năng, mọi hình thức để dìu dắt phong trào cách mạng trong nước, để động viên và cổ vũ các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân, nông dân và thanh niên, đứng lên đấu tranh; mặt khác Người tích cực tố cáo, lên án bản chất bóc lột của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân thuộc địa và kêu gọi, thức tỉnh nhân dân bị áp bức đấu tranh giải phóng. Người tiếp tục học tập để bổ sung hoàn thiện tư tưởng cứu nước, đồng thời tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam nhằm chuẩn bị các tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời chính đảng tiên phong ở Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lênin đến với nhân dân Việt Nam như đến với “người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”, chủ nghĩa Mác – Lênin lôi cuốn những người yêu nước Việt Nam đi vào con đường cách mạng vô sản và làm dấy lên khắp trong nước một làn sóng dân tộc và dân chủ mạnh mẽ, trong đó giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng chính trị độc lập. Sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng cách mạng mang tính thời đại của Nguyễn Ái Quốc, với phong trào đấu tranh quyết liệt của giai cấp công nhân liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân, cùng với phong trào yêu nước của một dân tộc đang sục sôi cách mạng đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.


    Mùa Xuân năm 1930, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, ngày 03/02/1930 Người đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Đông dương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng do Người trực tiếp soạn thảo như: Chánh cương vắn tắt; Sách lược vắn tắt; Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là kết quả của sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của nước ta, trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta. Đó là “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đường lối ấy gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế chân chính, gắn cách mạng Việt Nam với trào lưu cách mạng vô sản. Đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước của Việt Nam đã được Người vạch ra, sự đúng đắn ngay từ đầu của Nguyễn Ái Quốc đã được quá trình cách mạng khảo nghiệm và khẳng định. Từ đó, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mở ra thời đại mới, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

    Bình luận
  2. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến.

    Về chính trị, thực dân Pháp áp đặt chính sách cai trị thực dân, tước bỏ quyền lực đối nội và đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn; chia Việt Nam thành ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng. Thực dân Pháp câu kết với giai cấp địa chủ để bóc lột kinh tế và áp bức chính trị đối với nhân dân Việt Nam.

    Về kinh tế, thực dân Pháp thực hiện chính sách bóc lột, cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền; đầu tư khai thác tài nguyên; xây dựng một số cơ sở công nghiệp, hệ thống đường giao thông, bến cảng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa.

    Về văn hóa, thực dân Pháp thi hành triệt để chính sách văn hóa nô dịch, gây tâm lý tự ti, khuyến khích các hoạt động mê tín dị đoan. Mọi hoạt động yêu nước của nhân dân ta đều bị cấm đoán. Chúng tìm mọi cách bưng bít và ngăn chặn ảnh hưởng của nền văn hóa tiến bộ trên thế giới vào Việt Nam và thi hành chính sách ngu dân để dễ bề cai trị.

    Dưới tác động của chính sách cai trị và chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục thực dân, xã hội Việt Nam đã diễn ra quá trình phân hóa sâu sắc. Giai cấp địa chủ câu kết với thực dân Pháp tăng cường bóc lột, áp bức nông dân. Tuy nhiên, trong nội bộ địa chủ Việt Nam lúc này có sự phân hóa. Một bộ phận địa chủ có lòng yêu nước, căm ghét chế độ thực dân đã tham gia đấu tranh chống Pháp dưới các hình thức và mức độ khác nhau.

    Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam, bị thực dân và phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề. Tình cảnh bần cùng khốn khổ của giai cấp nông dân Việt Nam đã làm tăng thêm lòng căm thù đế quốc và phong kiến tay sai, tăng thêm ý chí cách mạng của họ trong cuộc đấu tranh giành lại ruộng đất và quyền sống tự do.

    Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, đa số xuất thân từ giai cấp nông dân, có quan hệ trực tiếp và chặt chẽ với giai cấp nông dân, bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột. Giai cấp tư sản Việt Nam bị tư sản Pháp và tư sản người Hoa cạnh tranh chèn ép, do đó thế lực kinh tế và địa vị chính trị nhỏ bé và yếu ớt, có tinh thần dân tộc và yêu nước ở mức độ nhất định. Tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam bao gồm học sinh, trí thức, những người làm nghề tự do… đời sống bấp bênh, dễ bị phá sản trở thành người vô sản, có lòng yêu nước, căm thù đế quốc, thực dân, có khả năng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài truyền vào.

    Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc này đều mang thân phận người dân mất nước và ở những mức độ khác nhau, đều bị thực dân áp bức, bóc lột. Vì vậy, trong xã hội Việt Nam, ngoài mâu thuẫn cơ bản giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến, đã nảy sinh mâu thuẫn vừa cơ bản vừa chủ yếu và ngày càng gay gắt trong đời sống dân tộc, đó là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Tính chất của xã hội Việt Nam là xã hội thuộc địa nửa phong kiến đang đặt ra hai yêu cầu: Một là, phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; Hai là, xóa bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân, chủ yếu là ruộng đất cho nông dân. Trong đó, chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu.

    Trước những yêu cầu đó, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Phong trào Cần Vương – phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến, do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896). Sang đầu thế kỷ XX, khuynh hướng này không còn là khuynh hướng tiêu biểu nữa. Phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại.

    Các phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc ta được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

    Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

    Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Người tập trung chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng thời gửi cán bộ đi học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và Trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc). Nhờ hoạt động không mệt mỏi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của một Đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi.

    Thế nên, từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Trong Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra 5 điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là tự phê bình và phê bình, “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm Cộng sản Đông Dương”.Đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, ngày 17/6/1929, Kỳ Bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hà Nội. Tháng 11/1929, các đồng chí Tổng bộ và Kỳ Bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên cũng quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 1/1/1930, những đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng) đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Trung Kỳ. Tuy nhiên, ở một nước có tới ba tổ chức Cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Trách nhiệm lịch sử là phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam.

    Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt của Đảng và sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày Kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam – thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời, đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam; đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức Cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc

    Bình luận

Viết một bình luận