Trình bày suy nghĩ của em về ý thức của thế hệ trẻ trong phòng chống dịch COVID-19

Trình bày suy nghĩ của em về ý thức của thế hệ trẻ trong phòng chống dịch COVID-19

0 bình luận về “Trình bày suy nghĩ của em về ý thức của thế hệ trẻ trong phòng chống dịch COVID-19”

  1. Ở giai đoạn 1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu ý kiến trước việc có nên cho học sinh đi học trở lại hay không bằng hai từ “an tâm – an toàn”. Với giai đoạn 2 này, tôi nghĩ hai từ ấy vẫn là kim chỉ nam trong phòng chống dịch. Trong đó vai trò của từng cá nhân trong cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

    “Toàn dân phòng dịch, sự bình tĩnh và sáng suốt đòi hỏi trước hết ở từng cá nhân. Sao lại tự làm mình suy yếu hơn vì sự hoang mang, hoảng loạn, thiếu sáng suốt?

     

     

    Đừng “tự thua” khi chưa chiến đấu

    Về mặt an toàn, có thể nhìn thấy nỗ lực không ngơi nghỉ của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, qua đó tạo ra được sự an toàn đang trong vòng kiểm soát, tạo ra sự an tâm cho nhiều người có sự bình tĩnh và khách quan khi nhìn về diễn tiến dịch bệnh trong mối tương quan so sánh với nhiều quốc gia khác. 

    Sự khách quan này bao gồm cả những đánh giá cao từ các quốc gia khác khi VN là nước nằm ngay cạnh ổ dịch.

    Vậy mà mọi thứ trở nên bất an sau ca nhiễm thứ 17. Bất an không chỉ vì số ca bệnh tăng lên, mà do có chuyện né cách ly, khai báo thông tin không đầy đủ, nháo nhào đi gom hàng hóa và chia sẻ những thông tin không chính xác, gây hoang mang cộng đồng. 

    Nhiều bạn bè tôi thật sự ngán ngẩm trước sự tràn ngập thông tin về dịch bệnh trên Facebook, trong đó không ít tin đồn, kiểu đưa tin gieo rắc thêm nỗi lo sợ và đủ kiểu không tiếc lời công kích, đổ lỗi và xúc phạm người khác.

    Chúng ta chưa bao giờ và không bao giờ chủ quan, nhưng cũng không vì thế mà vô tâm gieo rắc thêm sự sợ hãi không cần thiết vào lúc này. 

    Thay vào đó là sự bình tĩnh, sáng suốt để thích nghi. Đơn cử như trong chuyện học sinh đi học hay nghỉ học, thay vì phê phán và bàn cãi loạn xạ các kiểu, tôi nghĩ việc cần nhất ở mỗi gia đình là thu xếp cho trẻ được an toàn và khỏe mạnh ở tại nhà mình.

    Công kích nhau trên mạng không phải là cách phòng dịch. Cũng như chen lấn đi mua khẩu trang, đổ xô vào siêu thị mua hàng dự trữ đâu phải là cách giữ an toàn phòng dịch! Để rồi sự hoang mang lớn thêm. Hoảng loạn, thiếu sáng suốt là cách “tự thua” khi chưa chiến đấu!

    Chung tay tạo sự an tâm

    Như đã nói ở trên, chúng ta đã bước vào giai đoạn 2 trong cuộc chiến phòng chống COVID-19. Lúc này, việc nhắc nhở nhau về ý thức cộng đồng trách nhiệm xem ra không phải là chuyện thừa bởi chỉ có một cộng đồng có trách nhiệm, mạnh mẽ đương đầu với dịch bệnh mới có thể đem đến thắng lợi nhanh và toàn diện. 

    Người ta thường nói câu chỉ có đương đầu với sợ hãi mới chấm dứt sợ hãi. Trong thời điểm này, đương đầu với dịch bệnh cũng là lúc để chúng ta hiểu về nó hơn và có biện pháp chung tay phòng chống hiệu quả hơn là sự sợ hãi quá mức.

    Trẻ nghỉ học là giảm một mối lo. Nhưng cuộc sống và kinh tế không thể dừng lại. Người lớn đi làm, do công việc vẫn phải di chuyển khắp nơi. Ai cũng có nhu cầu cập nhật thông tin về dịch bệnh. Nhưng chúng ta đang đọc gì, nghe gì, đang tin điều gì và sau đó là sẽ nói gì, làm gì để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh?

    Vì sao chúng ta tin những lời đồn ngoài chợ, những thông tin không rõ nguồn trên mạng xã hội nhưng lại thờ ơ với những thông tin từ kênh truyền hình quốc gia và báo đài chính thống? 

    Những câu chuyện rất an tâm về chuyện ăn, ở, hình ảnh nơi an toàn nhất – bên trong các khu cách ly không được quan tâm nhiều bằng những cảnh chen nhau gom hàng hóa tích trữ! Đó là sự chọn lựa tạo bội thực nỗi lo và sự căng thẳng.

    Và tôi nghĩ về những người đang lặng thầm với công việc chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, hỗ trợ những người đang được cách ly; những người đang làm việc ở sân bay, bến tàu, siêu thị…, nơi có thể tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cao. Họ đang ngày đêm làm vì cộng đồng, chung tay kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh, rất khác với kiểu ngồi nhà phê phán, công kích người khác.

    Kiểm soát chính mình

    Những ngày này càng thấy rõ cụm từ “ý thức công dân” vẫn còn là một khái niệm mơ hồ với không ít người. Họ vẫn còn đang “hồn nhiên” như thể điều này thuộc về ai đó chứ không phải là mình. Lấy ví dụ việc xếp hàng khi thanh toán ở siêu thị, xếp hàng khi vào rạp xem phim hay đến các khu du lịch đông người. Người có ý thức sẽ điềm tĩnh xếp hàng trật tự, còn ai thiếu ý thức vì nghĩ rằng mình bỏ tiền ra là mình được quyền trước tiên, họ sẽ nháo loạn lên.

    Đây chỉ là một vài hình ảnh ví dụ đơn giản trong vấn đề ý thức cá nhân. Trước một mối hiểm họa nào đó, việc đầu tiên công dân cần đề cao sự ý thức để kiểm soát chính mình. Bài học đau đớn từ Hàn Quốc khi bệnh nhân thứ 31 vẫn vô tư đi lại trong khi đang mắc bệnh COVID-19 đã khiến các nước khác cũng phải giật mình nhìn lại về việc kiểm soát đám đông trong mùa dịch bệnh.

    Hơn 100 nước bị nhiễm bệnh. Dù nước giàu hay nước nghèo, từ quan chức cấp cao đến một người ăn xin trên đường phố, cả phạm nhân ở trại giam vẫn bị nhiễm bệnh.

    Chúng ta đã sửa cụm từ “bị cách ly” thành “được cách ly”. Người có ý thức tốt sẽ hiểu sâu sắc điều này, phòng bệnh trước tiên vì mình, sau đó đến chuyện nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Vì ý thức chưa đến nơi đến chốn mới có chuyện xem việc né cách ly như một “chiến tích” để kể cho nhiều người nghe hay việc nhờ người đi cách ly thay mình.

    Nền y tế của chúng ta chưa thể sánh bằng nhiều nước và chúng ta ở ngay kế bên tâm bão của dịch bệnh. Cả nước gồng mình kiểm soát sự lây lan của chủng virus này. Xin đừng lớn tiếng đổ lỗi cho việc kiểm soát chưa chặt chẽ. Thay vào đó, ai cũng cần ý thức hơn về trách nhiệm và quyền lợi công dân của mình. Tự kiểm soát bản thân tức là góp phần ngăn chặn dịch bệnh.

    Bình luận

Viết một bình luận