Trong các nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh, nguồn gốc nào là quan trọng nhất? Vì Sao?

Trong các nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh, nguồn gốc nào là quan trọng nhất? Vì Sao?

0 bình luận về “Trong các nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh, nguồn gốc nào là quan trọng nhất? Vì Sao?”

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập, giáo dục, rèn luyện Đảng ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, gian khổ, hết lòng vì nước, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và nhân ta một di sản tinh thần hết sức sâu sắc, cao cả. 85 năm qua, tư tưởng của người luôn luôn soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam, cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi. Vì vậy, Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định cùng với Chủ nghĩa Mác -Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường XHCN trên nền tảng Chủ nghĩa Mác- Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

     

    Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã nêu ra một quan điểm khái quát như là một định nghĩa về tư tưởng Hồ Chí Minh “ Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận sâu sắc và toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lê Nin vào điều kiện cụ thể ở nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng và nhân dân ta”. Đó  là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân của khối đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh…

              Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành bắt nguồn từ 4 nguồn gốc:

              Thứ nhất, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước hết là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

              Hồ Chí Minh là người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam nên tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết bắt nguồn từ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là truyền thống yêu nước, cần cù lao động, anh dũng, sáng tạo trong dựng nước và giữ nước,  đoàn kết,  nhân ái của dân tộc Việt Nam… những truyền thống tốt đẹp đó đã hun đúc qua hàng ngàn năm đấu tranh  dựng nước và giữ nước. Trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam thì Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu xuyên suốt tiến trình lịch sử dân tộc, giữ vị trí hàng đầu. Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành động lực, sức mạnh truyền thống, đạo lý làm người, niềm tự hào và là nhân tố hàng đầu trong bảng giá trị tinh thần của con người Việt Nam. Bác Hồ kính yêu đã viết: “dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”

               Chúng ta ngược dòng lịch sử, vào năm 1858, Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập đã bị  thực dân Pháp xâm lược và đã trở thành một nước thuộc địa nữa phong kiến. Dưới ánh thống trị của  thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam không có tự do. Vì vậy, nhân dân ta không ngừng nổi lên chống lại chúng. Lớp lớp sĩ phu và đồng bào yêu nước đã liên tục đúng lên  chiến đấu giành lại độc lập theo nhiều phong trào và khuynh hướng khác nhau như: Phong trào khởi nghĩa nông dân, điển hình là cuộc khởi nghĩa của Phan đình Phùng, Hoàng Hoa Thám; phong trào Cần vương phò vua Hàm Nghi cứu nước; phong trào theo khuynh hướng tiểu tư sản, điển hình là hai nhà yêu nứơc Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, với tinh thần “đúc gan sắt để dời non lấp bể, xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. Song những kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm đã không phát huy được tác dụng trước một kẻ thù mạnh. Các phong trào kháng chiến đều bị dìm trong biển máu, bởi không có một đường lối cứu nước đúng đắn. Cả dân tộc đắm chìm trong đêm dài nô lệ, lầm than “ tình hình đen tối như không có đường ra”. Sứ mệnh lịch sử đặt ra cho cả dân tộc, mỗi người yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ là phải tìm con đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Pháp và tay sai của chúng.

               Chính sức mạnh truyền thống ấy đã thúc dục Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Yêu nước là động lực chi phối mọi suy nghỉ, hành động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao, cực khổ của Hồ Chí Minh. Với một hoài bảo và lòng yêu nước nồng nàn cháy bỏng làm hành trang. Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước, người tự đặt cho mình cái tên Nguyễn Ái Quốc (nguyễn yêu nước) để luôn nhắc nhở cổ vũ bản thân và cổ vũ quốc dân đồng bào. Năm 1969 cả nước đã bật khóc vô cùng xúc động lúc Bác mãi mãi đi xa: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước Việt Nam ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính người đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước Việt Nam ta. Người là tinh hoa của dân tộc Việt Nam, là ý chí kiên cườn,g bất khuất của nhân dân Việt Nam bốn ngàn năm lịch sử…”   (Diễn văn truy điệu Bác năm 1969)

              Chủ nghĩa yêu nưởc truyền thống Việt Nam đầu thế kỷ XX đòi hỏi phải đổi mới là tiền đề tư tưởng thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và đưa người đến với Chủ nhĩa Mác- Lê Nin một cách tự nhiên. Bác viết: “lúc đầu chính chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê Nin, tin theo Quốc tế thứ III”.

               Thứ hai,  là tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại: Phương Đông và phương Tây

              Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ kết tinh từ những giá trị của dân tộc mà còn bắt nguồn từ tinh hoa văn hoá nhân loại cả phương Đông và phương Tây được người kế thừa và phát triển.

              Trong văn hoá phương Đông, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc kế thừa và phát triển những nhân tố tích cực của Nho giáo. Nho giáo vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc, bắt đầu từ những năm đầu sau công nguyên theo con đường quan phương. Song khi gặp dòng chủ lưu cơ bản của tư tưởng Việt Nam đã hình thành nên một trào lưu Nho giáo Việt Nam- Nho giáo yêu nước.

              Nền học vấn đầu tiên mà Hồ Chí Minh tiếp nhận là Nho học. Đến tuổi thanh niên và cả thời kỳ hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm nghiên cứu văn hoá phương Đông, nhất là Nho giáo. Trong các tác phẩm bài viết, bài nói của mình, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến khái niệm phạm trù, mệnh đề của Nho giáo. Nho giáo thấm vào tư tưởng, tình cảm của người không phải là những giáo điều trong “tam cương”,      “ngủ thường”, đạo “tu thân”… của các nhà hiền triết phương Đông được Hồ Chí Minh hết sức trân trọng. Song trong khi vận dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo, người cũng đồng thời phê phán, loại bỏ những yếu tố tiêu cực của học thuyết đó. Nếu như chữ “trung”, ‘hiếu” trong Nho giáo là trung với vua, hiếu với cha mẹ, thì được Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao mới  là trung với nước, hiếu với dân. Trung với nước, hiếu với dân là trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

              Có thể nói Hồ Chí Minh là hình ảnh của một bậc hiền triết phương Đông, cốt cách phương Đông của người không chỉ là văn hoá ứng xử, một chủ nghĩa nhân văn cao cả, một tấm lòng thương yêu con người vô bờ bến  mà còn thể hiện một bản lĩnh không bao giờ chịu khuất phục “quắc mắt khinh thường ngàn lực sĩ, cúi đầu làm ngựa các nhi đồng” hay “Giàu sang không quyến rủ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục” mà còn thể hiện ở phương pháp, phong cách tư duy và hành động. Người am hiểu sâu sắc những vấn đề lịch sử cũng như những vấn đề nóng hổi đương đại của các dân tộc phương Đông. Trong khi tiếp thu, vận dụng những luận điểm tích cực của Nho giáo, đồng thời người cũng chỉ ra những hạn chế của nó như phân chia đẳng cấp, phân ra các hạng người: Thánh nhân, đại nhân, tiểu nhân, coi thừơng phụ nữ, coi khinh lao động chân tay, trọng nông, ức thương…..

              Trước khi đến với Chủ nghĩa Mác –Lê nin, Hồ Chí Minh đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng nhân văn, dân chủ tư sản của cách mạng Pháp, Mỹ cả văn hoá Phục hưng, Thế kỷ ánh sáng và của các cuộc cách  mạng tư sản phương Tây, Chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) “về dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Nguồn văn hoá phương Tây ảnh hưởng tới Hồ Chí Minh trước hết phải kể đến tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” mà giai cấp tư sản đã nêu cao để tập hợp lực lượng lật đổ chế độ phong kiến.

              Trong quá trình tìm đường cứu nước bôn ba khắp các châu lục, đến những trung tâm văn minh của châu Âu, từ các thư viện ở Pa Ri, Luân Đôn, từ những cuộc sinh hoạt luận bàn ở các câu lạc bộ chính trị, văn hoá, từ sách báo, từ những quan hệ tiếp xúc với nhiều nhà trí thức, các chính khách có tiếng ở Pháp và thế giới… Hồ chí Minh đã tiếp thu những tinh hoa văn hoá phương Tây cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của mình.

              Cũng như khi  đến với những giá trị văn hoá phương Đông, Hồ Chí Minh tiếp thu những giá trị tư tưởng văn hoá phương Tây với tinh thần chọn lọc phê phán, người đã vận dụng và phát triển các trào lưu tư tưởng và văn hoá ấy lên một trình độ mới phù hợp với yêu cầu mới của dân tộc và thời đại.

              Nhà nghiên cứu Hê Len Tuốc Mê Rơ đã có lý khi viết: “ Hồ Chí Minh là hình ảnh hoàn chỉnh của sự kết hợp: Đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Các Mác, thiên tài cách mạng của V. I . Lê Nin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả đều hoà hợp trong một dáng dấp rất tự nhiên”

              Thứ ba, Tư tưởng Hồ chí Minh có nguồn gốc từ Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, từ khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5 tháng 6 năm 1911 đến năm 1917, Hồ Chí Minh đã đến nhiều nước thuộc địa và nhiều nước tư bản đế quốc. Trong khoảng thời gian đó Hồ Chí Minh đã bổ sung cho mình những nhận thức mới về những gì ẩn dấu đằng sau các từ “tự do”, “bình đẳng”. “bác ái” mà vào trạc tuổi 13 lần đầu tiên Người đã nghe. Khoảng cuối năm 1917, khi trở lại Pa Ri (Pháp), Hồ Chí Minh dã làm quen với nhiều nhà hoạt động chính trị xã hội của Pháp và thế giới. Năm 1919, Hồ Chí Minh tham gia Đảng xã hội Pháp, một đảng tiến bộ lúc bấy giờ. Cuối năm 1920, Hồ Chí Minh cùng với những đảng viên ưu tú của Đảng xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III, Quốc tế cộng sản do Lê Nin sáng lập, trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Tháng 7 năm 1920, Hồ Chí Minh đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê Nin”. Luận cương đã giải đáp trúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở, tìm hiểu bấy lâu nay, giúp người thấy rõ  con đường thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Người nói: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không  có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người đã tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác – Lê Nin “cái cần thiết” và “con đường giải phóng chúng ta” là bước quyết định nhảy vọt về chất trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

              Luận cương của Lê Nin  đã giúp Hồ chí Minh nhận thức sâu sắc hơn về bản chất cách mạng khoa học của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin và phương pháp biện chứng mác xít, tâm đắc sâu sắc câu nói của Lê Nin “ không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng…chỉ đảng nào có được một lý luận tiên tiến hướng dẫn thì mời có thể làm tròn vai trò của chiến sỹ tiền phong”.

    Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô (ảnh tư liệu)

              Thứ tư, tài năng bẩm sinh và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh

              Lý luận tư tưởng bao giờ cũng là sản phẩm của con người, do con người sáng tạo ra và khái quát trên cơ sở nhận thức các nhân tố khách quan

              Ngay từ khi còn trẻ. Hồ Chí Minh đã có hoài bảo lớn, có bản lĩnh kiên định, giàu tình cảm nhân ái và sớm có chí cứu nước, giải phóng đồng bào mình

              Vào đầu thế kỷ XX đã có nhiều người Việt Nam sang Pháp và đã có những người tham gia Đảng xã hội Pháp. Thế nhưng trong số những người Việt Nam yêu nước ở Pháp vào năm 1920, duy nhất có Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản và cũng là một công dân thuộc địa tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Tư chất thông minh, tư duy độc lập, sáng tạo, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới là những đức tính dễ thấy ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Phẩm chất đó được rèn luyện phát huy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của người. Nhờ vậy giữa thực tiễn phong phú và sinh động, giữa nhiều học thuyết quan điểm khác nhau, giữa biết bao tình huống phức tạp. Hồ chí Minh đã tìm hiểu phân tích, tổng hợp khái quát tình hình  thành những luận điểm đúng đắn và sáng tạo hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh

     

    Là người sáng lập và lãnh đạo quân đội ta, Hồ Chủ tịch đã theo dõi mặt trận suốt thời gian chiến dịch biên giới (.ảnh tư liêu)

               Trong các nguồn gốc trên thì Chủ nghĩa Mác- Lê Nin là cơ sở chủ yếu nhất hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng khoa học và cách mạng để tổng kết lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn, tích luỹ kiến thức tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Chính Chủ nghĩa Mác -Lê Nin đã giúp người vựợt hẳn lên phía trước so với những người yêu nước đương thời, khắc phục cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc, vạch ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc  đúng đắn bằng con đường cách mạng vô sản.

              Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô cùng to lớn và sâu sắc không chỉ góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi của dân tộc ta trong những năm qua mà còn có ý nghĩa chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn đấu tranh để bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công băng và văn minh.

    Bình luận

Viết một bình luận