Vai trò của ĐẢNG CS đối với Cách Mạng Tháng 8

Vai trò của ĐẢNG CS đối với Cách Mạng Tháng 8

0 bình luận về “Vai trò của ĐẢNG CS đối với Cách Mạng Tháng 8”

  1. Ðảng đã đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, đã tập hợp đoàn kết rộng rãi lực lượng của toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, đã lựa chọn và kết hợp đúng đắn các hình thức tuyên truyền, tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp, đã xây dựng, phát triển thực lực cách mạng, thúc đẩy phong trào, đồng thời dự kiến và chớp đúng thời cơ hành động. Trong việc thực hiện sứ mệnh nặng nề trước dân tộc và lịch sử, Ðảng đã rất coi trọng xây dựng Ðảng về tư tưởng chính trị và tổ chức, rèn luyện phương pháp đấu tranh và cách lãnh đạo. Trong Cách mạng Tháng Tám đã nổi bật năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Ðó là bài học quý báu cho nhiệm vụ xây dựng Ðảng hiện nay và thực hiện vai trò lãnh đạo của Ðảng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay.

    Bình luận
  2. Một là, dự báo chính xác khả năng”nổ ra một cuộc đảo chính” giữa Nhật và Pháp ở Đông Dương; nhận định “xuất hiện thời cơ cho một cuộc cách mạng dân tộc”. Những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, tình hình Đông Dương diễn biến hết sức mau lẹ, một mặt, thực dân Pháp và phát xít Nhật lo đối phó với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân do Đảng lãnh đạo, mặt khác, bọn chúng đang “công kích lẫn nhau”, tranh giành địa vị quyền lực rất quyết liệt. Trong bối cảnh đó, Đảng và Hồ Chí Minh rất bình tĩnh phân tích đánh giá thấu đáo tình hình, nhận rõ, tuy thực dân Pháp và phát xít Nhật đều có chung mưu đồ thống trị Đông Dương, song mâu thuẫn giữa chúng ngày càng sâu sắc, không thể điều hòa. Dựa trên kết quả phân tích, Đảng dự báo tất yếu “sẽ nổ ra cuộc đảo chính trong nay mai”; và làm “xuất hiện thời cơ cho cuộc cách mạng dân tộc”. Cuối năm 1944, Hồ Chí Minh trên cơ sở theo dõi, nắm bắt tình hình thực tiễn, chỉ ra cho đồng bào toàn quốc: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh!”1.

    Những dự báo, nhận định của Đảng và Hồ Chí Minh về tình hình Đông Dương (1940-1945) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với toàn bộ tiến trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Đây cũng là cơ sở khoa học giúp các lực lượng cách mạng điều chỉnh nhiệm vụ, mục tiêu, phương thức đấu tranh nâng cao hiệu quả hoạt động; định hướng nhanh quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng chuẩn bị cho vũ trang khởi nghĩa khi thời cơ đến; tạo cơ sở để thống nhất tư tưởng trong Đảng, các đoàn thể quần chúng, khắc phục mọi biểu hiện lệch lạc, giúp các lực lượng  đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, phản động.     

    Hai là, thực hiện chuyển hướng chiến lược cách mạng, hình thành phương thức dựa vào bạo lực cách mạng của quần chúng để tiến hành cách mạng. Xuyên suốt tư tưởng trong các hội nghị của Đảng từ năm 1941 đến 1945, là quan điểm chuyển hướng chiến lược cách mạng, cốt lõi là thực hiện cuộc đấu tranh “giải phóng dân tộc” – đặt nhiệm vụ đánh đế quốc, tay sai giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Quyết định này của Đảng không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra năm 1930, mà là bước triển khai cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng trong giai đoạn đầu của chiến lược cách mạng vô sản “giành chính quyền”.

    Cách mạng Tháng Tám là đỉnh cao của cuộc đấu tranh dân tộc, là giai đoạn cuối của tiến trình khởi nghĩa vũ trang – giai đoạn Tổng khởi nghĩa. Trong lãnh đạo cách mạng, nét độc đáo, sáng tạo trong tư duy của Đảng và Hồ Chí Minh là nắm chắc độ chín muồi của thời cơ cách mạng, làm cơ sở cho những quyết định đúng. Trước sự kiện Nhật đảo chính Pháp, Đảng và Hồ Chí Minh chỉ đạo đình hoãn các cuộc khởi nghĩa bởi lúc đó, thời cơ cách mạng chưa xuất hiện. Đến khi cuộc đảo chính diễn ra (9-3-1945), tuy thời cơ đã xuất hiện, song Đảng và Hồ Chí Minh vẫn chưa quyết định phát lệnh Tổng khởi nghĩa, bởi “do cuộc đảo chính diễn ra quá nhanh, các tầng lớp đứng giữa chưa ngả hẳn về cách mạng, đội tiên phong còn đang lúng túng về chuẩn bị khởi nghĩa”2. Lúc này Đảng chỉ cho phép các địa phương, nếu có đủ các điều kiện thì tiến hành khởi nghĩa từng phần. Khi cao trào chống Nhật cứu nước dâng cao, thời cơ cách mạng chín muồi trong phạm vi cả nước (13-8-1945), Đảng mới phát lệnh tiến hành Tổng khởi nghĩa toàn quốc: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”3.

    Tư duy sáng suốt của Đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang còn thể hiện ở tầm nhìn chiến lược về sức mạnh quyết định của quần chúng, từ đó đề ra nhiều chủ trương, phương thức tuyên truyền, tổ chức quần chúng phù hợp, biết sáng tạo ra nhiều biện pháp thiết thực nhằm phát huy cao độ sức mạnh các giai tầng trong xã hội hướng vào nhiệm vụ đánh đổ bộ máy thống trị của phát xít Nhật. Vì vậy, Cách mạng Tháng Tám xét về thực chất đã biến thành “Ngày hội của quần chúng”.

    Ba là, kiên định tư tưởng chiến lược tiến công, giữ vững quyền lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong thời kỳ hoạt động cách mạng, lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới V.I.Lênin đã dạy: “Không bao giờ được đùa với khởi nghĩa”, rằng “một khi đã bắt đầu khởi nghĩa thì phải hết sức quyết tâm hành động và dù sao cũng tuyệt đối phải chuyển sang tấn công. Phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa vũ trang”4. Kế thừa và vận dụng sáng tạo lý luận ấy, Đảng và Hồ Chí Minh luôn nhận thức khởi nghĩa vũ trang là cuộc cách mạng bạo lực mang tính chất triệt để, muốn giành phần thắng không được do dự, chần chừ, mà phải “kiên quyết chỉ huy tiến công”5. Tư tưởng tiến công trong khởi nghĩa vũ trang nói chung, trong Cách mạng tháng Tám nói riêng là tư tưởng chiến lược, được Đảng và Hồ Chí Minh chuyển hóa thành những hành động “chủ động” trong thực tiễn: Chủ động đề ra đường lối, phương thức tiến hành bạo lực cách mạng; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể cách mạng nhanh chóng xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng; chủ động bám nắm tình hình, chớp thời cơ lãnh đạo quần chúng cách mạng vùng lên đấu tranh lật đổ bộ máy thống trị của phát xít Nhật, xóa bỏ chế độ chính trị, luật pháp nô dịch gần trăm năm của chủ nghĩa thực dân đế quốc, dựng lên chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa, ban bố thực thi chính sách, pháp luật cách mạng mới “của dân, do dân, vì dân”.

    Trong suốt tiến trình chuẩn bị khởi nghĩa, khởi nghĩa, Đảng luôn nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò lãnh đạo của mình, coi trọng nhiệm vụ phát triển đảng viên, tổ chức Đảng; tăng cường công tác kiểm tra giữ nghiêm kỷ luật Đảng, xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng; Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn bám sát thực tiễn, gương mẫu, đi đầu trong phong trào cách mạng của nhân dân, thực hiện tác phong làm việc và sinh hoạt gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng. Chính điều này không những củng cố vững vàng “trận địa” lãnh đạo của Đảng “trong lòng dân”, mà còn giúp Đảng phát huy hết khả năng, trách nhiệm vinh quang đối với dân, với nước. Đánh giá vai trò của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng, lần này là lần dầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”6.

    Gần 7 thập kỷ đã trôi qua, song dư âm thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn in đậm, lưu truyền trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt Nam và những người yêu nước, tiến bộ trên thế giới. Lịch sử khó có thể lặp lại, song trí tuệ khoa học lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ở Việt Nam đã để lại nhiều kinh nghiệm quý cho nhiều quốc gia, dân tộc trên con đường đấu tranh giành, bảo vệ nền độc lập của mình. Đối với cách mạng Việt Nam, những cống hiến to lớn của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám không chỉ có giá trị đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX, mà đến nay vẫn còn giá trị rất to lớn trong công cuộc kiến dựng sức mạnh để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Bình luận

Viết một bình luận