Về bài thơ “Khi con tu hú”, có ý kiến cho rằng: Bố cục của bài thơ hoàn toàn hợp lý. Hai phần của bài thơ là 2 không gian đối lập nhưng lại thống nhất

By Piper

Về bài thơ “Khi con tu hú”, có ý kiến cho rằng: Bố cục của bài thơ hoàn toàn hợp lý. Hai phần của bài thơ là 2 không gian đối lập nhưng lại thống nhất trong tâm trạng và cảm xúc của nhà thơ. Em có đồng ý không? Vì sao?

0 bình luận về “Về bài thơ “Khi con tu hú”, có ý kiến cho rằng: Bố cục của bài thơ hoàn toàn hợp lý. Hai phần của bài thơ là 2 không gian đối lập nhưng lại thống nhất”

  1. Em hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nếu như khổ thơ đầu của bài thơ Khi con tu hú diễn tả cảnh thiên nhiên mùa hè tươi đẹp bên ngoài song sắt nhà tù và có thể là trong tâm tưởng của nhà thơ thì khổ thơ thứ hai diễn tả không gian nhà tù đến chật hẹp, khó chịu, bức bối. Thế nhưng, hai khổ thơ lại thống nhất về tâm trạng và cảm xúc của nhà thơ, của người tù cách mạng ở chỗ đó là đều diễn tả nỗi khát vọng tự do, khát vọng được ra ngoài tận hưởng thiên nhiên và cống hiến cho cách mạng của người tù cách mạng. Ở khổ thơ đầu, người đọc thấy được bức tranh thiên nhiên được vẽ nên là bức tranh hoàn hảo, tuyệt đẹp, có sự hòa quyện giữa âm thanh và màu sắc của thiên nhiên tươi đẹp. Ta thấy được âm thanh của tiếng chim tu hú và tiếng ve ngân cũng như thấy được màu sắc của lúa chiêm đang chín vàng, trái cây đang chín dần, màu xanh tươi tốt của vườn râm, màu đào của nắng và màu vàng rực của ngô. Từ đây, tác giả thể hiện được tình yêu thiên nhiên và khát vọng tự do của mình, dù đó có thể chỉ là bức tranh ở trong tâm tưởng của nhà thơ mà thôi. Sang đến khổ thơ thứ hai, cảm xúc và tâm trạng khao khát tự do của nhà thơ đã đạt đến cấp độ cao hơn. Khát vọng tự do ấy được khơi nguồn chỉ bằng một tiếng chim tu hú ở bên ngoài- hay chính là tiếng chim tu hú của khát vọng tự do, mà nhen nhóm và bùng lên mãnh liệt trong tâm tưởng của tác giả “Ta nghe hè dậy bên lòng”. Câu thơ tiếp theo “Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!” là câu cảm thán thể hiện cho thái độ uất ức đến ngột ngạt cùng khát vọng được phá tan gông xích của nhà tù để nhanh chóng được tự do, được tận hưởng bầu trời của tự do. Các câu thơ tiếp theo cũng thể hiện được cảm xúc mãnh liệt đó của nhà thơ “Ngột làm sao, chết uất thôi!/Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”. Câu cảm thán cùng với hàng loạt các động từ mạnh như “ngột, chết uất” cho thấy một tâm trạng đau khổ, bứt rứt như muốn chết đi và khát khao đến cháy bỏng được thoát ra ngoài của tác giả. Ấy vậy mà con chim tu hú cứ kêu- hay chính là khát vọng tự do của tác giả vẫn cứ trỗi dậy, vẫn cứ kêu gào trong tâm tưởng của nhà thơ hãy nhanh chóng giành lại được tự do của tuổi trẻ. Tóm lại, dù hai khổ thơ là hai không gian đối lập nhau nhưng đều thống nhất trong tâm trạng và cảm xúc của nhà thơ đó là: khát vọng tự do và tình yêu cuộc sống của người tù cách mạng.

    Trả lời

Viết một bình luận