“việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
… song hào kiệt đời nào cũng có”
cảm nhận của anh chị về đoạn trích trên. từ đó nhận xét tư tưởng yêu nước của nguyễn trãi thể hiện qua tác phẩm đại cáo bình ngô
yêu cầu: các bạn tự viết nhé, không được tra mạng nha, tuyệt đối là TỰ VIẾT nhé hyhy
mình sẽ cho bạn nào tự viết, hay 5 sao
Bình Ngô đại cáo’ là áng “thiên cổ hùng văn” thể hiện thiên tài của Nguyễn Trãi, đỉnh cao về tư tưởng, và nghệ thuật của nền văn hiến Đại Việt trong thế kỉ XV. Cùng với Lam Sơn thực lục, Quân trung từ mệnh tập, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập… Bình Ngô đại cáo đã làm cho ngôi sao Khuê trở nên chói sáng và lấp lánh ngàn thu, đặc biệt là đoạn trích đầu tiên của bài thể hiện lịch sử Đại Việt với bản sắc và truyền thống đấu tranh chống lại các triều đại Trung Quốc vì mục tiêu độc lập, bình đẳng như Trung Quốc.
Mùa xuân năm 1428, cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược hoàn toàn thắng lợi. Nguyễn Trãi đã thay lời Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo tổng kết cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc “nên công oanh liệt ngàn năm”, tuyên bố nước Đại Việt bước vào một kỉ nguyên mới độc lập bền vững, “muôn thủa nền thái bình vững chắc.
Ngay từ đầu, Nguyễn Trãi đã khẳng định sự đấu tranh này là vì lợi ích của nhân dân:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Dấy quân khởi nghĩa vì thương dân, trừng phạt kẻ có tội (điếu phạt), tiêu diệt bọn giặc tàn bạo, đem lại cuộc sống yên vui cho nhân dân (yên dân), đó là việc nhân nghĩa. Nhân nghĩa vẫn là học thuyết của Nho giáo đề cao đạo đức, tình nhân ái giữa con người với nhau. Nguyễn Trãi đã tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo theo hướng lấy lợi ích của nhân dân và của dân tộc làm gốc. Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa là yêu nước, thương dân, phải đánh giặc để cứu nước, cứu dân; “triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: Cái nhân nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng, chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của đất nước, hạnh phúc của nhân dân” (Phạm Văn Đồng).Trong nhiều bức thư gửi tướng tá giặc Minh, Nguyễn Trãi đã đứng trên lập trường nhân dân và dân tộc, nêu cao nhân nghĩa, vạch trần tội ác và bộ mặt giả nhân giả nghĩa của bè lũ chúng: “Nước mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng là “điếu dân phạt tội’’, kì thực làm việc bạo tàn, ăn cướp đứt nước tư, bóc lột nhân dân tư, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn các làng không được sống yên. Nhân nghĩa mù lại thế ư?” (Lại thư trả lời Phương Chính).
Trên lập trường nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã khẳng định nền văn hoá Việt Nam, nền văn hiến Đại Việt và con người Việt Nam, một dân tộc văn minh, anh hùng. Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng, Nguyễn Trãi đại diện cho đất nước chiến thắng đã nêu cao giá trị lớn lao của truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta:
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên,
Mỗi bên xưng để một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có
Nền văn hiến Đại Việt, nền “văn hoá Thăng Long” được hình thành, xây dựng và phát triển qua một quá trình lịch sử “đã lâu”, đã có “từ trước” đằng đẵng mấy nghìn năm. Đại Việt không chỉ có lãnh thổ chủ quyền “núi sông bờ cõi”, mà còn thuần phong mĩ tục mang bản sắc riêng, có lịch sử riêng, chế độ riêng “bao giờ gây nền độc lập”, đã từng “xưng đế một phương”, có nhiều nhân tài, hào kiệt. Phải có mấy trăm năm độc lập dưới các triều đại Đinh, Lê, Lí, Trần…, phải có những trang sử vàng chói lọi (Lưu Cung thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Toa Đỏ, Ô Mã Nhi bị giết tươi, bị bắt sống…) phải có những con người “trí mưu tài thức” đã làm nên “thi thư” của Đại Việt, của nền văn minh sông Hồng, thì Nguyễn Trãi mới có thể viết nên những lời tuyên ngôn đĩnh đạc hào hùng như vậy. Nếu như bốn trăm năm về trước, trong Nam quốc sơn hà, Lí Thường Kiệt chí mới xác định được hai nhân tố về lãnh thổ và chủ quyền trên ý thức quốc gia và lập trường dân tộc, thì trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã bổ sung thêm bốn nhân tố nữa, đó là: văn hiến, phong tục, lịch sử và nhân tài. Điều đó cho thấy ý thức dân tộc của nhân dân ta đã phát triển trên một tầm cao mới trong thế kỉ XV, và đó cũng là tinh anh, tinh hoa của tư tưởng Nguyễn Trãi.
Bình Ngô đại cáo cho ta thấy một bút lực và tài học vô song của ức Trai. Cáo là một thể văn cổ điển rất trang nghiêm, để thông báo cho toàn dân một sự kiện quan trọng. Sự nghiệp “bình Ngô” kéo dài trong 10 năm trời. Quân và dân ta trải qua muôn vàn gian lao thử thách, lập bao chiến công lẫy lừng… từ những tháng năm lầm than đến ngày toàn thắng “bốn phương biển cả thanh bình”, thế mà Nguyễn Trãi đã viết một cách hàm súc: bài đại cáo chí dài 1343 chữ. Cảm hứng nhân nghĩa, cảm hứng anh hùng và khát vọng độc lập, hoà bình đã tạo nên tầm vóc văn chương, màu sắc sử thi của bài đại cáo bình Ngô, bản anh hùng ca Đại Việt. Ngòi bút nghệ thuật của Nguyễn Trãi rất biến hoá trong miêu tả và tự sự, trong trữ tình và bình luận, vừa sắc sảo và thấm thía, vừa đa thanh; lúc thì đĩnh đạc, hào hùng, trang nghiêm, lúc thì thắm thiết căm giận, lúc thì mạnh mẽ, hùng tráng… Đất nước và con người Đại Việt được nói đến trong bài đại cáo là một đất nước, một nhân dân văn hiến, anh hùng.
Thật vậy, Bình Ngô đại cáo toát lên “một chủ nghĩa nhân văn tích cực, sáng suốt tỉnh táo, mênh mông” (Đặng Thai Mai), là bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Đoạn trích đã để lại đất nước và hậu thế một minh chứng hùng về ý chí anh dũng quật cường của một dân tộc anh hùng. Tác phẩm là một áng văn chương bất hủ với đầy đủ mọi ý nghĩa, tính chất, văn phong, tư tưởng của một đại thi hào lớn. Đọc tác phẩm, chúng ta học tập biết bao điều từ đó. Một tác phẩm vĩ đại vô cùng.