Viết 2 bài văn biểu cảm về dòng sông và người thân

Viết 2
bài văn biểu cảm về dòng sông và người thân

0 bình luận về “Viết 2 bài văn biểu cảm về dòng sông và người thân”

  1. “Quê hương tôi có con sông xanh biếc”

    Nhà thơ Tế Hanh viết về dòng sông quê hương mình trong những ngày tháng xa quê đầy thương nhớ như vậy. Lời thơ đánh thức xúc cảm của trái tim người đọc, bởi hầu như ai cũng có một dòng sông quê trong trái tim mình. Và em cũng có một dòng sông quê hương dạt dào sóng nước, ngày đêm tuôn chảy qua cánh đồng, khu vườn tươi xanh. Đó chính là dòng sông Vàm Cỏ Đông của mảnh đất Long An hiền hòa….

    Từ khi sinh ra, em đã được ru bởi tiếng sóng vỗ của sông Vàm Cỏ Đông, vì nhà em nằm bên bờ sông quê. Ngày ngày, từ cái sân nhỏ trước ngôi nhà thân thương, em thường nhìn thấy những con thuyền xuôi ngược trên sông, và màu nước thay đổi theo mùa. Sông quê em vốn là dòng sông lớn, bắt nguồn từ núi non của đất nước Cam-pu-chia, rồi đi vào Việt Nam, chảy suốt từ Tây Ninh qua Long An với chiều dài lên tới 86 cây số. Đối với em, sông Vàm Cỏ Đông lúc nào cũng đẹp. Mỗi buổi sáng sớm, em thấy mặt sông xanh biếc, sóng lăn tăn nhẹ như một bài thơ. Những mảng lục bình trôi lờ lững như khoan thai ngắm cảnh quê nhà. Còn khi chiều xuống, nhất là những buổi chiều thu, mặt nước lãng đãng trong một màn hơi nước mờ mờ, thì con sông trở nên đẹp huyền ảo. Hai bên bờ sông là những xóm làng trù phú, thanh bình với những con người chân chất, mộc mạc. Ai cũng biết chèo ghe, biết bơi lội trên dòng sông quê yêu dấu.

    Em yêu dòng sông quê em vô cùng, bởi nơi đây có biết bao kỷ niệm đẹp của thời ấu thơ trong trẻo. Đó là những chiều đẹp trời. lũ trẻ chúng em rủ nhau ra bến sông đầu xóm, nơi có những rặng tre xanh mát, để cùng nhau tắm mát trên sông. Tiếng cười vang vang trên mặt nước có lẽ làm bầy cá nhỏ dưới sông cũng giật mình bỏ chạy. Trên dòng sông ấy, ba em và anh Hai thường thả lưới để bắt những chú cá lóc béo tròn, chú cá sặc mình dẹp, nhiều xương mà thịt cá thơm ngon, để má em làm bữa cơm để cả gia đình cùng nhau thưởng thức. Dòng sông quê cũng có khi cuồn cuộn sóng trong những ngày mưa gió, đó là lúc em thong thả ngắm cảnh sau giây phút làm xong bài tập mà thầy cô giao cho. Ngay cả những lúc như thế, em vẫn thấy dòng sông quê em mang một vẻ đẹp riêng, thật đáng yêu, đáng nhớ…

    Dòng sông quê em cũng là niềm tự hào của em và bao người dân Long An. Đó là dòng sông anh hùng trong kháng chiến, nơi đã chứng kiến nhiều chiến công vang dội, đánh đuổi giặc ngoại xâm giày xéo quê hương. Ông ngoại em từng kể cho em về đội du kích giỏi chèo xuồng đưa bộ đội qua sông, và những người chiến sĩ vừa dũng cảm, vừa mưu trí. Đó chính là lịch sử hào hùng in dấu trên sông nước Vàm Cỏ. Và có lẽ vì thế, sông quê em được đi vào thơ, vào nhạc. Bài hát “Lên ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt và bài ca “Vàm Cỏ Đông” của nhạc sĩ Trương Quang Lục đều có cảm hứng từ dòng sông anh hùng nơi quê em. Mỗi khi những giai điệu tuyệt vời ấy cất lên, em lại cảm thấy lòng mình xao xuyến vì yêu mến và tự hào trỗi dậy. Ôi, dòng sông huyền thoại mà thân thương quá!

    Khi em học xong tiểu học, cũng là lúc gia đình em chuyển lên thành phố sinh sống. Em nhớ da diết dòng sông quê mình với tất cả niềm yêu quý thấm thía. Hàng tháng, ba má đều đưa chúng em về thăm quê, thăm ngoại, và em lại được gặp Vàm Cỏ Đông, dòng sông thơ ấu thân thương cho thỏa niềm mong nhớ. Sông là tuổi thơ, là hình ảnh quê em, nơi chôn nhau cắt rốn, nên làm sao em không thương nhớ sông quê khi phải xa cách! Và em luôn mong giây phút được trở về ngồi bên hiên nhà ngoại, để tim mình bình yên theo nhịp sóng quen thuộc.

    Em mong sao sông quê em luôn trong xanh, chở phù sa bồi đắp cho vườn ruộng. Gần đây, em có phần lo lắng khi nghe nói có nhiều dòng sông bị ô nhiễm “bức tử”. Yêu sông, em khao khát những người dân quê hương Long An sẽ giữ gìn dòng sông Vàm Cỏ Đông, để sông mãi xanh trong, mãi tươi đẹp như từ bao đời nay vẫn thế.

    Mai này, khi lớn lên, dù có đi khắp bốn phương trời, em vẫn yêu và nhớ sông quê, nơi cất giữ bao kỷ niệm đẹp của tuổi thơ em. Và em cũng yêu mọi dòng sông trên đất Việt, bời những dòng sông ấy đều đem lại bao điều tốt đẹp, bao lợi ích cho những người dân lao động chân chất. Chúng ta hãy luôn bảo vệ và giữ gìn để mọi dòng sông quê đều đẹp mãi và chở đầy cá tôm…

    Bình luận
  2. A, Biểu cảm về dòng sông

    a, Dàn ý:

    1. Mở bài

    Nêu hoàn cảnh và tình cảm của em về con sông quê hương.

    2. Thân bài

    -Trong tâm trí luôn in đậm hình bóng con sông:

    + Yêu vẻ đẹp của nó: con sông nằm bên kia rặng tre chân đê, uốn lượn mềm mại, màu nước thay đổi theo mùa.

    + Yêu quý con sông vì nó đã làm nên bãi bồi màu mỡ, cung cấp nước, nguồn lợi thuỷ sản.

    – Em nhớ da diết những kỉ niệm trên dòng sông quê hương nơi em cùng bạn bè tắm mát hằng ngày

    – Nay về thăm quê, em thấy buồn day dứt vì dòng sông bị ô nhiễm, không còn đẹp như trước nữa.

    3. Kết bài

    Những suy nghĩ của em về trách nhiệm để giữ gìn cho dòng sông quê thêm đẹp, phải biết trân trọng và giữ gìn nét đẹp mà thiên nhiên ban tặng.

    b, Bài làm:

    “Quê hương là còn đò nhỏ, êm đềm khua nước ven sông”. Tuổi thơ chúng ta ai mà chẳng gắn liền với dòng sông quê hương. Bao bài hát bao lời thơ đã gửi gắm tình cảm từ con sông ấy.

    Dòng sông quê hương – dòng sông của tuổi thơ, dòng sông ấp ủ tôi trong tình yêu thương, dòng sông đỏ màu phù sa, đỏ màu lúa chín, đỏ màu yêu thương. Phải chăng con sông này không chỉ bồi đắp từ phù sa mà còn bồi đắp lên từ tình yêu thương tha thiết? Văng vẳng bên sông tiếng ru ầu ơ, tiếng hò đò, tiếng mái chèo khua nước, và cũng văng vẳng bên sông tiếng trái tim, tiếng yêu thương nhẹ nhàng mà đằm thắm kì lạ! Còn nói được gì đây khi nghe thấy, cảm nhận thấy câu hát quan họ mượt mà, trữ tình vào một đêm trăng thanh ở bến sông? Đêm trăng thanh, đêm trăng vũ hội của dòng sông. Cùng dòng sông ấy, buổi sáng thì trong trẻo, mát lành, buổi chiều hoàng hôn đã ngự trị thì hồng rực lên, sáng ánh lửa còn khi trăng đã chui ra khỏi cái vỏ ngày thì dòng sông lại lấp lánh trong bộ xiêm áo của nàng lọ lem, sáng và đẹp đến lạ kì! Lắng nghe, bạn còn nghe thấy cả tiếng vĩ cầm du dương, réo rắt, lúc trầm, lúc bổng vang lên từ đáy sông. Đó chính là lúc sông đang hát đấy, sông đang hát lên khúc tình ca, sông đang hát lên, hát về cuộc đời của mình, hát về quê hương.

    Chỉ thế thôi, chỉ đơn giản là tiếng nước chảy thôi nhưng sao mà nặng tình đến thế, lòng người phải chăng cũng rung động trước thứ tình cảm ấy? Dòng sông ấy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của tôi, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón tôi vào trong làn nước mát lành. Tuổi thơ tôi tắm mát trong dòng sông yêu thương. Dòng sông ấy chứa đựng bao tình yêu thương của dân làng tôi, một tình yêu đơn sơ, giản dị mà thật cao quý. Tình yêu này vun đắp cho một tình yêu còn thiêng liêng và cao cả hơn, đó là tình yêu quê hương, đất nước, yêu xóm làng thân thuộc, để rồi từ nơi này bao người con đã ra đi không trở về nhưng tôi biết trong trái tim của họ vẫn in hình con sông yêu thương, dòng máu trong người họ chảy ra, mang màu con sông yêu thương vì chính họ cũng đã từng tắm trong dòng sông này. Sao quên được những ngày nắng hạn, dòng sông cạn nước, trong đêm thanh tôi nghe thấy tiếng khóc than ai oán của con sông, sao mà thương đến thế. Và cũng sao quên được những ngày mùa bội thu, mọi người cũng vui mà dòng sông cũng vui, tôi biết nó đang nghĩ gì, nó đang rất vui cùng dân làng. Con sông ấy cùng như một con người biết yêu thương, biết giận hờn, lúc vui lúc buồn. Tôi yêu dòng sông xiết bao.

    Rồi mai đây, có thể tôi là một bác sĩ, một kĩ sư hay một người lao động nhưng tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ bé bỏng đối với dòng sông yêu thương. Dòng sông ấy mãi luôn sát cánh bên tôi, tiếp thêm sức lực để tôi vững tin vào cánh cổng đi tới tương lai tươi sáng muôn màu.

    B, Biểu cảm về người thân

    a, Dàn ý:

    1. Mở bài:

    – Giới thiệu được người mẹ mà em yêu quý nhất

    – Tình cảm, ấn tượng của em về mẹ.

    2. Thân bài

    – Giới thiệu một vài nét tiêu biểu về mẹ: Mái tóc, giọng nói, nụ cười, ánh mắt

    • Hoàn cảnh kinh tế gia đình
    • Công việc làm của mẹ
    • Tính tình, phẩm chất của mẹ…

    – Tình cảm của mẹ đối với những người xung quanh

    • Ông bà nội, ngoại, với chồng con …
    • Với bà con họ hàng, làng xóm …

    – Gợi lại những kỉ niệm của em với mẹ.

    – Nêu những suy nghĩ và mong muốn của em đối với mẹ.

    3. Kết bài:

    – Ấn tượng, cảm xúc của em đối với mẹ

    – Liên hệ bản thân, những lời hứa.

    b, Bài làm:

    Mưa về trên khu phố khuya sao não nề
    Thân mẹ tôi đã ướt đẫm vì đường dài
    Thương mẹ tôi hi sinh suốt cả cuộc đời
    Mong đời tôi luôn ấm êm.

    Đó là những câu hát da diết, não nề trong ca khúc Mẹ tôi. Những câu hát ấy, đã gợi lên trong em những yêu thương, quý mến về người mẹ của mình – một người mẹ luôn tần tảo sớm hôm, một lòng vì con cái.

    Mẹ em là giáo viên tiểu học, năm nay đã 48 tuổi. Mẹ có vóc dáng cao, gầy, nhìn qua ai cũng nghĩ là rất yếu đuối, mỏng manh. Thế nhưng ẩn bên trong cơ thể mảnh mai ấy, là một nguồn sức mạnh to lớn, vĩ đại, có thể khiêng lên cả một bầu trời cho em. Mẹ có mái tóc đen, dài đến giữa lưng. Mỗi khi đi dạy, mẹ lại tết gọn ở phía sau lưng. Vì những đêm dài thức khuya soạn giáo án trong đêm khuya, nên mắt mẹ em yếu đi, phải đeo kính suốt ngày. Mẹ có khuôn mặt tròn phúc hậu, cùng một nụ cười dịu dàng. Chính vì thế, mà mẹ có thể nhanh chóng khiến mọi cô cậu học trò yêu mến ngay lần gặp đầu tiên. Bàn tay mẹ thon dài, có vết chai dày ở đầu ngón tay, do nhiều năm cầm bút, cầm phấn. Giọng nói của mẹ vô cùng trong trẻo, mềm mại, ai cũng thích lắng nghe. Mỗi khi mẹ giảng bài, là học sinh lại say sưa theo dõi.

    Mỗi ngày, mẹ luôn bận rộn để soạn giáo án, chuẩn bị cho buổi dạy, lại phải dành thêm thời gian để kèm cho những học sinh yếu trong lớp, rồi lại chấm bài, họp phụ huynh. Thế nhưng, mẹ vẫn luôn ưu tiên dành rất nhiều thời gian cho em. Để em luôn có cảm giác được mẹ quan tâm, yêu thương, chăm sóc. Mỗi sáng, em được mẹ đánh thức, cùng mẹ ăn sáng rồi lại được mẹ chở đến trường. Buổi chiều, em sẽ cùng mẹ về nhà. Tối tối, em ngồi học bài ở bên chiếc bàn mẹ soạn giáo án. Mỗi khi em có bài nào không hiểu, mẹ sẽ dừng lại giải thích cho em. Những lúc mẹ kèm cho học sinh, em sẽ ngồi cạnh lắng nghe. Đôi khi em còn là trợ thủ của mẹ, giúp mẹ xóa bảng, phát vở. Cứ thế, mọi khoảnh khắc trong ngày của em luôn có mẹ bên cạnh.

    Có một lần em bị điểm kém môn Toán. Nguyên nhân là do em không cẩn thận lúc làm bài, viết nhầm đáp án. Hôm ấy, mọi người ai cũng rất ngạc nhiên, cô giáo còn có phần thất vọng nữa. Lúc ra chơi, em nghe thấy các bạn xì xào rằng, con gái của cô giáo mà lại làm sai bài toán dễ như vậy, thật không ngờ… Những lời bàn tán ấy khiến em vốn đã buồn vì bị điểm kém lại càng buồn bã hơn. Em cảm giác như mình đã khiến mẹ phải xấu hổ. Đau khổ vô cùng, tối hôm ấy, em đã không ăn cơm mà ngồi khóc ở trong phòng. Một lát sau, mẹ vào phòng, khẽ vuốt tóc em và nói:

    – Thôi, con nín đi nào, con gái của mẹ không có gì phải khóc cả. Đó chỉ là một nhầm lẫn nhỏ thôi mà. Lần sau con lại cẩn thận hơn là được. Không sao đâu.

    Lúc ấy, em liền ôm lấy mẹ, vừa khóc vừa nói:

    – Mẹ ơi, con đã làm mẹ phải xấu hổ rồi. Con thật là ngu ngốc…

    – Không, không phải như thế! – Mẹ ngắt lời em. Chờ em ngừng khóc mẹ mới nói tiếp:

    – Con người ai cũng có thể có sai lầm. Chỉ cần con nhận ra và biết sửa sai là được. Con của mẹ đã hiểu được lỗi sai của mình nên mẹ rất vui. Và con cũng không hề làm mẹ xấu hổ. Sao mẹ lại xấu hổ khi con của mẹ biết hối hận vì sai lầm của mình chứ.

    – Nhưng con là con của cô giáo mà lại sai bài toán đơn giản như thế mà… – Em ngập ngừng trả lời mẹ.

    Mẹ liền nói:

    – Con của cô giáo thì làm sao chứ. Con vẫn là một cô bé lớp 7 bình thường mà, cũng sẽ có lúc điểm cao, lúc điểm thấp chứ. Mẹ cảm thấy điều đó hết sức bình thường, chẳng hề cảm thấy xấu hổ gì cả. Chỉ cần con luôn cố gắng hết sức mình là được. Con hiểu ý mẹ không.

    – Con hiểu rồi ạ! – Em trả lời mẹ bằng sự hạnh phúc ngập tràn.

    Sau đó, em liền ra bếp ăn cơm. Ở đó, bố cũng đang ngồi chờ em bằng ánh mắt hiền từ. Vậy là em vừa ăn, vừa cười nói, nụ cười rạng rỡ lại trở về trên khuôn mặt vẫn còn chưa khô nước mắt của em. Sau lần ấy, em lại càng thêm yêu quý mẹ của mình hơn. Mỗi ngày, em luôn cố gắng nỗ lực hết sức mình để làm cho mẹ vui vẻ. Vì em muốn mẹ sẽ được tự hào về em. Ngoài ra, vào những thời gian rảnh, em còn giúp mẹ làm việc nhà như quét nhà, nấu cơm, rửa bát, phơi áo quần… để mẹ có thời gian được nghỉ ngơi.

    Em mong rằng thời gian trôi thật chậm, để mẹ luôn mạnh khỏe, sống bên cạnh em thật lâu, thật lâu. Nhưng em cũng mong thời gian trôi thật nhanh để em lớn lên, báo đáp, chở che cho mẹ, bù đắp những vất vả mà mẹ đã gồng gánh trong bao năm qua. Tất cả những mong muốn trái ngược ấy, đều xuất phát từ một điều duy nhất – đó chính là tình yêu mẹ cháy bỏng trong trái tim của em.

    Bình luận

Viết một bình luận