Viết bài văn nghị luận thơ trung đại: tự tình

Viết bài văn nghị luận thơ trung đại: tự tình

0 bình luận về “Viết bài văn nghị luận thơ trung đại: tự tình”

  1. Bài văn mẫu 1

    Hồ Xuân Hương là một hiện tượng lạ, độc đáo trong văn học Việt Nam, những vần thơ bà viết về phụ nữ rất lạ và táo bạo thể hiện những khao khát hết sức nhân bản của con người. Bài thơ Tự tình II đã nói lên nỗi lòng của người phụ nữ trong cảnh lấy chồng chung, đồng thời cũng bộc lộ khát vọng bứt phá, tự do hết sức mãnh liệt.

    Bài thơ mở đầu bằng lời bộc bạch đầy u sầu:

    Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

    Trơ cái hồng nhan với nước non.

    Trong đêm khuya thanh vắng, không gian càng trở nên tĩnh mịch hơn, nỗi khắc khoải ngóng đợi chồng trở về lại càng mãnh liệt hơn. Nhưng càng mong lại càng không thấy. Tiếng trống như thúc giục, như làm cho nỗi buồn chồn, lo lắng càng sâu đậm hơn. Đồng thời tiếng trống ấy cũng là sự thông báo về thời gian tâm trạng của người phụ nữ. Nỗi khắc khoải, thảng thốt của người đàn bà. Tâm trạng đơn côi ấy đã được Hồ Xuân Hương khắc họa rõ nét chỉ qua duy nhất một từ “trơ”. Trơ được đảo lên đầu câu, trơ ở đây chính là nỗi niềm cô đơn, trơ trọi, người con gái ấy trơ “cái hồng nhan” với trời với nước một cách buồn tủi, bẽ bàng. Không chỉ vậy hồng nhan kết hợp với từ cái lại khiến cho nó thêm phần rẻ rung, mỉa mai và tội nghiệp. Người phụ nữ cô đơn lặng lẽ đếm thời gian trôi và ý thức sâu sắc hơn nỗi bất hạnh, sự bẽ bàng, tủi hổ của bản thân.

    Vậy, họ phải làm gì, phải bằng cách nào mới có thể thoát khỏi tâm trạng sầu muộn tột cùng ấy. Có lẽ cách đơn giản nhất chính là tìm đến với rượu, để giúp con người ta quên đi thực tại phũ phàng:

    Chén rượu đưa hương say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

    Nhưng thực tại lại trớ trêu hơn, tìm đến rượu tưởng say, tưởng quên được nhưng càng uống người phụ nữ lại càng tỉnh ra, càng nhận rõ hơn sự cô đơn của mình. Đau đớn hơn nàng nhìn vầng trăng đã xế, nghĩ đến thân phận mình đã lớn tuổi mà hạnh phúc vẫn chưa trọn vẹn, nhân duyên vẫn “khuyết chưa tròn”. Tình cảnh của Hồ Xuân Hương không phải là hiện tượng cá biết, ta bắt gặp nàng Kiều cũng có nỗi niềm tương tự: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

    Đôi mắt Hồ Xuân Hương tiếp tục hướng ra ngoại cảnh, có lẽ bài đang tìm kiếm sự sẻ chia, mong muốn bày tỏ nỗi lòng mình:

    Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

    Hai động từ “xiên” “đâm” được đảo lên đầu câu nhấn mạnh trạng thái, sự chuyển biến của thiên nhiên nhưng đây đồng thời cũng chính là tâm trạng của con người. Thiên nhiên cũng mang trong mình nỗi niềm phẫn uất của con người, cỏ cây không mềm yếu mà mạnh mẽ xiên ngang mặt đất; đá cũng tự gọt mình, trở nên rắn chắc hơn để đâm toạc đám mây. Tất cả các sinh vật đều cố gắng, gồng mình vươn lên không chấp nhận những cản trở để vươn tới ánh sáng, vươn tới hạnh phúc. Câu thơ phản ánh nỗi phẫn uất đến tận cùng của Hồ Xuân Hương nhưng đồng thời cũng thể hiện sự phản kháng, muốn bứt phá, chối bỏ những luật lệ phong kiến hà khắc để được sống và có một hạnh phúc thực sự cho riêng mình. Câu thơ thể hiện nét tính cách mạnh mẽ, táo bạo của Hồ Xuân Hương.

    Khép lại bài thơ, Hồ Xuân Hương viết:

    Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

    Mảnh tình san sẻ tí con con.

    Đọc hai câu thơ ta cảm nhận thấy rõ nỗi chán ngán đến tột cùng của Hồ Xuân Hương. Vậy nàng đang ngao ngán điều gì? Nỗi chán ngán của nàng chính là “xuân đi xuân lại lại” , nghĩa là thời gian trôi đi, hết mùa xuân này đến mùa xuân khác, cũng đồng nghĩa với việc tuổi thanh xuân trôi qua mà hạnh phúc người con gái vẫn chưa được tròn vẹn, niềm mong ngóng hạnh phúc dường như ngày một bị thời gian đẩy ra xa hơn. Câu thơ cuối ngắt nhịp 2/2/3 cho thấy tình cảm vốn mong manh, bé nhỏ này lại bị chia năm sẻ bảy, chỉ còn lại tý con con. Câu thơ đầy chán ngán, xót thương, oán thán, tủi hờn. Cũng bởi vậy mà, đã có lần phẫn uất, Hồ Xuân Hương đã lớn tiếng chửi cái kiếp lấy chồng chung: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Hạnh phúc luôn bé nhỏ như chiếc chăn hẹp với khao khát yêu thương to lớn của con người.

    Bài thơ cho thấy tài năng nghệ thuật độc đáo của Bà chúa thơ nôm đó là nghệ thuật sử dụng từ ngữ, các động từ mạnh (xiên, đâm), đảo ngữ, dùng những từ ngữ mới lạ độc đáo (trơ cái hồng nhan). Ngoài ra nghệ thuật xây dựng hình ảnh đặc sặc cũng đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

    Qua bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được tâm trạng đầy tủi hơn, uất hận của Hồ Xuân Hương cho duyên phận hẩm hiu của mình. Đồng thời cũng thể hiện khát vọng vượt thoát và nhu cầu hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt của bà. Tiếng thơ của Hồ Xuân Hương cũng là tiếng lòng của biết bao phụ nữ trong xã hội cũ.

    Bài văn mẫu 2

    Trong nền thơ ca dân tộc đã có rất nhiều những nhà văn, nhà thơ viết về người phụ nữ như Nguyễn Du với kiệt tác “Truyện Kiều”, Đặng Trần Côn với “Chinh phụ ngâm” hay Nguyễn Dữ với tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” rồi đến những vần thơ của bà Huyện Thanh Quan… nhưng có lẽ tiếng thơ của Hồ Xuân Hương trong bài “Tự tình II” là nỗi lòng tự bộc bạch, tình cảm chân thật của người phụ nữ trong sâu thẳm tâm hồn.

    Người phụ nữ trong xã hội phong kiến bấy lâu phải chịu nhiều thiệt thòi, họ mất đi quyền làm chủ cá nhân, quyền quyết định hạnh phúc cho riêng mình bởi những quan niệm, lễ giáo khắt khe là “Tam tòng tứ đức”, “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”…Trong xã hội xưa thân sinh làm kiếp đàn bà đã khổ, Hồ Xuân Hương lại còn mang thân phận của người vợ lẽ chịu nhiều thiệt thòi càng đau lòng hơn. Đó là cảm hứng, là nỗi đau xuất phát từ trái tim, tâm hồn người phụ nữ mang trong mình nhiều bất hạnh.

    Bài thơ “Tự tình II” tả cảnh đêm khuya thanh vắng, người đàn bà một mình cô đơn lẻ loi không ngủ mà tự ngẫm thương xót cho thân phận, tình cảm của mình. Cảnh vật trong đêm thanh tĩnh, u tịch với “Văng vẳng” của tiếng trống canh dồn. Ta đã từng bắt gặp âm thanh ấy trong bài “Chiều hôm nhớ nhà” của bà Huyện Thanh Quan: “Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn” dù chỉ là buổi chiều nhưng cũng đủ gợi buồn sâu thẳm huống chi là đêm khuya vắng vẻ chỉ với một thân một mình trong cô đơn. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng thành công tiếng trống dồn canh từ xa vọng lại như thúc giục thời gian trôi qua nhanh, làm cho không gian càng thêm vắng lặng, buồn bã.

    Con người hiện lên trên nền cảnh không gian, thời gian ấy là một tấm thân cô độc “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Hồng nhan là sắc mặt hồng cách hoán dụ lấy bộ phận để chỉ toàn bộ ý nói đến người con gái đẹp. Từ “cái” cụ thể hóa đối tượng được nói đến. Từ “trơ” đặc tả trạng thái trơ lì, chai sạn về một phương diện nào đó, ở đây là “trơ” với “nước non” tức là với thế giới tự nhiên và xã hội, nó được đặt ở đầu câu càng nhấn mạnh thêm nỗi xót xa, đau đớn đến không còn cảm giác của tác giả.

    Khi buồn, sầu, đau, cô đơn con người ta thường hay tìm đến rượu để tiêu sầu, thi sĩ cũng vậy nhưng bà càng uống lại càng tỉnh:

    “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

    Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.

    Người ta nói khi say là khi sống thật với chính mình, với tâm hồn của một thi sĩ uống rượu ngắm trăng là lúc cảm xúc thăng hoa nhất nhưng Hồ Xuân Hương càng uống lại càng tỉnh, tỉnh bao nhiêu thì buồn đau cho thân phận mình bấy nhiêu. Bà ngắm trăng thấy ánh trăng đã tàn mà chưa có một khoảnh khắc nào tròn. Bà ngẫm cho mình thanh xuân cuộc đời người phụ nữ đã trôi đi già nửa mà chưa một lần được hưởng hạnh phúc trọn vẹn yêu thương. Càng hy vọng, càng chờ bao ngày tháng càng thất vọng buồn tủi bấy nhiêu đau. Đó chính là bi kịch của người phụ nữ tài sắc mà duyên phận lại hẩm hiu. Hồ Xuân Hương đã từng cất lên tiếng chửi của thân phận làm lẽ:

    “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

    Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”

    hạnh phúc là một tấm chăn hẹp trong hoàn cảnh của nhà thơ người vợ lẽ luôn phải chịu thiệt hơn bởi tình cảm không những không được san sẻ mà bị cướp sạch sẽ bởi vợ cả. Nguyễn Du từng cất tiếng khóc thương cho thân phận của kiếp đàn bà:

    “Đau đớn thay phận đàn bà

    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

    Hồ Xuân Hương tuy là số phận hẩm hiu nhưng bà là một con người có cá tính mạnh mẽ. Dù bi thương nhất nhưng vẫn không cam chịu, chấp nhận mà phản kháng mạnh mẽ, dữ dội được thể hiện qua ý chí trong hai câu thơ:

    “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

    Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

    Nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” được sử dụng, các động từ mạnh xiên, đâm với bổ ngữ ngang và toạc nhấn mạnh trạng thái của thiên nhiên. Rêu và đá là hai sự vật nhỏ bé, yếu ớt so với mây trời, mặt đất rộng lớn bao la mà có sức mạnh vô cùng. Nhà thơ vốn là một con người tự tin yêu đời nên nhìn rêu nhìn đá trong vũ trụ bao la vẫn hoạt động mạnh mẽ, sức sống mãnh liệt qua đó cũng cho thấy bản sắc, phong cách của Hồ Xuân Hương: Luôn cảm nhận sự vật dưới cái nhìn mạnh mẽ, hàm chứa một sức sống dào dạt. Dù trải qua nhiều bi kịch, đau thương với đời nhưng bà luôn gắng gượng phản kháng. Hồ Xuân Hương đã có lần tự khẳng định cái tôi cá nhân của mình:

    “Ví đây đổi phận làm trai được

    Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”

    Tuy là mạnh mẽ cứng rắn nhưng một mình bà vẫn không thể thay đổi cho cả xã hội, con người bà không thể thắng được số phận. Bà cất lên tiếng nói nhằm đấu tranh cho quyền lợi hạnh phúc của người phụ nữ nhưng chính bà cũng đang phải chịu nỗi bất hanh. Tuy nhiên tiếng thơ ấy là một hiện tượng mới lạ trong thơ ca trung đại, là khúc ca mở đầu cho những nhà thơ đứng về phụ nữ, bảo vệ và đòi quyền hạnh phúc cho họ.

    Bà đau đớn, xót xa than ngẫm cho hoàn cảnh, thân phận chính mình:

    “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

    Mảnh tình san sẻ tí con con”

    Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở cũng là mùa của tuổi trẻ, thanh xuân người con gái. Mùa xuân của thiên nhiên đi rồi lại đến còn mùa xuân của con người thì đi mãi không trở về “Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha”. Tuổi xuân năm lần bảy lượt qua đi nhưng mảnh tình chỉ có một tí mà vẫn phải san sẻ để rồi chỉ còn tí con con. Từng câu từng chữ thấm đẫm nỗi uất ức, xót xa, ấm ức bởi chưa bao giờ tình cảm được trọn vẹn chẳng khác gì ánh trăng trên trời cao kia đã xế khi chưa tròn. Nghệ thuật tăng tiếng “tí con con” được sử dụng thành công càng làm cho bi kịch của người phụ nữ càng thêm cao, một từ tí con con cực tả nỗi niềm chua xót ngán ngẩm của nhà thơ.

    “Tự tình II” là bài thơ tự than thân, tự bộc lộ, tự nói lên nỗi lòng của một người phụ nữ lận đường tình duyên nhưng luôn khao khát có được một tình yêu trọn vẹn xứng đáng với tấm chân tình của mình. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ cho thấy tài năng thi ca của tâm hồn thi sĩ với việc sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh, thủ pháp tả cảnh ngụ tình, dùng động từ mạnh kết hợp nghệ thuật đảo ngữ và các từ láy “văng vẳng”, “con con” với nghệ thuật tăng tiến càng làm cho bài thơ trở nên sâu sắc, thẫm đượm cái ý cái tình của người phụ nữ có nhiều nét độc đáo, mới lạ trong nền thơ ca văn học dân tộc.

    Những hình ảnh giản dị với tâm trạng vừa buồn tủi, xót xa lại vừa uất ức cho thân kiếp làm lẽ, đồng thời cũng là bi kịch và khát vọng hạnh phúc cá nhân của Hồ Xuân Hương. Bài thơ truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc tới độc giả dù sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng con người vẫn cố gắng vươn lên muốn thay đổi số phận, thay đổi nghịch cảnh mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn với hạnh phúc lứa đôi và tình duyên trọn vẹn.

    Bình luận

Viết một bình luận