giới thiệu di tích đền Quy Lĩnh của xã Quỳnh Lương

By Jade

giới thiệu di tích đền Quy Lĩnh của xã Quỳnh Lương

0 bình luận về “giới thiệu di tích đền Quy Lĩnh của xã Quỳnh Lương”

  1. mình xin trả lời cau hỏi

    ngược dòng lịch sử, theo truyền thuyết, Vị sư là một người tu hành và trụ trì tại chùa Cốc ở vùng đất bãi ngang. Năm 1279, một buổi chiều sư đi dạo trên bãi cát ven biển, thấy ba mẹ con nhà Nam Tống (Hoàng hậu và hai Công chúa) trong tình trạng thập tử nhất sinh dưới bờ biển Cửa Cờn. Sư đã hết lòng cứu vớt, rồi đem ba mẹ con về chùa chăm sóc, nuôi dưỡng tử tế. Một thời gian sau, ba mẹ con họ đã phục hồi sức khỏe, lấy lại dung nhan vốn có của mình. Trước vẻ đẹp tuyệt trần của Hoàng hậu, sư gặp trắc trở nên đã liền gieo mình xuống biển tự tử. Xác của sư trôi dạt vào hòn ói (núi Quy Lĩnh), được nhân dân làng Phú Lương vớt lên, thi thể vẫn còn y nguyên như người còn sống và toát ra một mùi thơm kỳ lạ. Thấy vậy, dân làng Phú Lương bèn lo liệu chôn cất vị sư rất chu đáo, rồi lập đền dưới chân núi Quy Lĩnh để thờ phụng.

    Tứ vị Thánh nương là những vị thần được cư dân vùng ven biển ở Việt Nam nói chung và nhân dân Nghệ An nói riêng lập nhiều đền thờ phụng. Riêng trên đất Nghệ An, hiện đã thống kê được trên 30 ngôi đền thờ Tứ vị Thánh nương, trong đó đền Quy Lĩnh (xã Quỳnh Lương) và đền Cờn (xã Quỳnh Phương) được coi là nơi phát tích.

    Năm 1234, quân Nam Tống bị quân Mông Cổ tấn công, Kinh đô của Nam Tống ở Lâm An bị thất thủ. Triều đình nhà Tống phải bỏ chạy vào Nhai Sơn. Năm 1279, quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Vua Tống Bính Đế đem gia quyến cùng hơn 800 quân lính, bề tôi chạy lên thuyền trốn ra biển. Thế cùng lực tận, lại bị quân giặc đuổi theo truy bức gấp rút, quan Tả Thừa tướng Lục Tú Phu ôm Vua Tống Đế Bính nhảy xuống biển tự tử. Đoàn thuyền trên đường vượt biển, chẳng may gặp sóng to gió lớn đẩy thuyền chìm đắm, Đại tướng Trương Thế Kiệt cùng bao quân lính bị chết đuối, chỉ còn Hoàng hậu và hai Công chúa may sao ôm lấy được một mảnh ván thoát chết và được vị sư cứu sống.

    Sau khi sư chết. Hoàng hậu khóc than rằng: “Chúng ta nhờ sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm”. Hoàng hậu nói xong, bèn nhảy xuống biển tự tử. Mất mẹ, hai công chúa khóc than thảm thiết, nghĩ rằng sống bơ vơ nơi đất khách quê người, không cha mẹ, không bà con thân thích, rồi cũng trắm mình xuống biển chết theo. Cả bốn người đều chết, thi thể nổi lên vẫn còn y nguyên như còn sống và toát ra một mùi thơm kỳ lạ. Thấy vậy, nhân dân đã lo liệu chôn cất ba mẹ con Hoàng hậu cùng vị sư rất chu đáo, rồi lập đền thờ phụng.

    Đông đảo người dân đến thắp hương tại đền Quy Lĩnh

    Đền ở Cửa Cờn (làng Phương Cần) thờ Tứ vị Thánh nương; đền ở dưới chân núi Quy Lĩnh (làng Phú Lương) thờ vị sư. Cả hai ngôi đền này nổi tiếng linh thiêng, nên các vị minh quân dưới triều đại phong kiến Trần, Lê khi cầm quân đi chinh phạt giặc Phương Nam đều ghé qua đền làm lễ cầu đảo và đều được linh nghiệm, giành thắng lợi. Năm Hưng Long thứ 20 (1312), Vua Trần Anh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải, gặp sóng to gió lớn phải dừng lại, đêm ấy Nhà vua nằm mộng thấy nữ thần khóc và nói rằng: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, lênh đênh sóng gió, trôi dạt vào đây, Thượng đế phong cho làm Thần Biển ở đây đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Tỉnh dậy, Vua cho gọi các bậc cao niên ở địa phương dò hỏi sự thực và tiến hành ban tế một tuần rồi mới đi. Trên đường tiến quân, sóng yên biển lặng, quan quân tiến thẳng đến thành Chà Bàn, bắt được Vua Chiêm Thành. Thắng trận trở về, Vua Trần ghé lại thăm đền, phong sắc cho thần là: “Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh nương”. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), giặc phương Nam lại quấy phá các tỉnh phía Nam của nước ta, Lê Thánh Tông phải huy động một lực lượng quân đội to lớn hiếm thấy trong lịch sử. Trên đường Nam chinh, Vua Lê cho quân dừng chân tại Cửa Cờn, vào đền làm lễ cầu đảo Tứ vị. Thắng lợi trở về, Vua Lê đã ban cấp thêm vàng, bạc để sửa sang, nâng cấp xây dựng lại đền với quy mô lớn hơn.

    Bởi sự linh thiêng đó, các triều đại phong kiến đều ban sắc, phong thần. Tứ vị được phong đến bậc cao nhất là “Thượng đẳng thần tối linh”, không những giao cho làng Phương Cần và Phú Lương, mà còn nhiều nơi trên đất nước Việt Nam tòng tiền phụng sự. Hiện nay, tại đền Quy Lĩnh còn lưu giữ được 8 đạo sắc:

    Mộc thần là cây gỗ thần do âm hồn Tứ vị Thánh nương nhập vào. Chuyện  kể rằng:  Vào thời Trần, có một cây gỗ to trôi từ biển vào trước cửa đền Cờn thuộc làng Phương Cần xưa (phường Quỳnh Phương ngày nay) và nằm lại ở đó khá lâu. Nhưng do dân làng Phương Cần không để ý thờ phụng nên trong làng thường xảy ra chuyện chẳng lành. Gia súc, gia cầm chết hàng loạt, trẻ em, người lớn đau ốm liên miên, giương thuyền ra khơi đánh không được cá… Dân làng cho là vì gỗ thần, nghĩ rằng tai họa còn diễn ra khôn lường. Khi thủy triều dâng, làng cho người đẩy cây gỗ xuống sông Mai Giang và trôi dạt xuống Hòn Ói (tức núi Quy Lĩnh), nằm lại ở bãi Ói làng Phú Lương. Một người dân Phú Lương thấy cây gỗ lạ, liền lấy dao chặt thử thì thấy mùi thơm tỏa ra, lại có vết máu. Cho là cây gỗ thần, liền khấn xin Mộc thần phù hộ cho ra khơi đánh được nhiều cá. Lời nguyện cầu quả nhiên linh ứng. Tiếng linh lan ra, cả làng khẩn cầu được như nguyện, dân làng Phú Lương coi đây là một vị thần, liền kéo cây gỗ lên, lập bài vị thờ cây gỗ tại đền Quy Lĩnh để quanh năm hương khói, phụng thờ.

    Thấy dân Phú Lương làm ăn ngày càng khấm khá, làng Phương Cần cho người xuống tìm hiểu, điều tra. Biết là do cây gỗ thần ấy, liền bàn cách, lập mưu để khiêng cây gỗ thần về làng mình. Thế rồi, một hôm vào lúc nửa đêm, hai toán tráng đinh của làng Phương Cần gồm toàn những ngư dân khỏe mạnh kéo xuống làng Phú Lương. Một toán chèo thuyền ven theo biển đi đường thủy. Một toán đi đường bộ. Đến Phú Lương, toán đi đường thủy cử một số người coi thuyền, số còn lại lên nhập với toán đi bộ, tiến vào đền Quy Lĩnh, nơi thờ cây gỗ thần. Họ lạy cửa đền, thắp hương lạy tạ Mộc thần, rồi xin khiêng Mộc thần về làng. Đi được một đoạn, làng Phú Lương mới phát hiện ra. Tức thì, trống mõ ngũ liên, Phú Lương tập hợp dân làng chia làm hai toán tìm kiếm: Một toán chạy xuống Phú Nghĩa, một toán chạy lên Phương Cần. Đến bãi Sao Sa thì bị nhân dân làng Phú Lương bắt được. Tại đây, hai bên xô xát, níu kéo, tranh giành nhau cây gỗ thần và đó cũng chính là nguồn gốc của Lễ Kỳ Lưu ở đền Quy Lĩnh, hội bơi thuyền và tục Chạy ói của Lễ hội đền Cờn – một lễ hội lớn của cả vùng đất Bãi ngang.

    Lãnh đạo Sở VHTT&DL trao Bằng công nhận DTLS cấp tỉnh Đề Quy Lĩnh cho lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu

    Sát hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn tên thật là Hoàng Ngọc Liêu, tên chữ  Hoàng Minh, mỹ hiệu Tô Đại Liêu. Ông sinh năm Giáp Dần (1254), trong một gia đình làm nghề chài lưới ở một vùng quê ven biển thôn Vạn Phần (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

    Vốn là người thông minh, dũng cảm, nhiều mưu trí, giỏi võ nghệ, lại có tài bơi lội, ông đã lập được nhiều chiến công trong các trận thủy chiến chống quân nguyên Mông. Hoàng Tá Thốn cùng các chiến hữu của mình đánh nhiều trận lớn trên sông, làm cho quân giặc gặp nhiều khốn đốn. Đặc biệt trận Bạch Đằng trên sông (1288), ông đã lập được nhiều công lớn. Hoàng Tá Thốn đã dùng mưu đục chìm thuyền địch, làm tướng giặc Ô Mã Nhi và hàng vạn quân Nguyên bị chết chìm dưới biển. Triều đình phong cho ông là “Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân”.

    Sau khi đất nước bình an, Hoàng Tá Thốn được Triều đình giao thống lĩnh đạo thuỷ binh, coi giữ 12 cửa biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh. Tại đây, ông tổ chức xây dựng nhiều căn cứ biển, truyền dạy được nhiều binh sỹ trở thành người thiện chiến trên sông nước và đã chỉ huy tiêu diệt được nhiều toán giặc biển. Trong chuyến đi tuần thú đường biển ở Thanh Hoá, không may Hoàng Tá Thốn bị bệnh đột ngột và từ trần vào ngày 01 tháng 01 năm 1338. Được tin, vua Trần thương tiếc cho thuyền rồng chở thi hài ông về an táng nơi quê nhà ở Vạn Phần (Diễn Châu), cho lập đền thờ và ban tặng ông “Sát Hải Đại tướng quân, Thiên bồng nguyên Soái chi thần”.

    Nhớ tới công lao to lớn của ông, nhân dân thôn Vạn Phần nói riêng và nhiều nơi, nhất là các vùng ven biển trên đất Nghệ An nói chung đều lập đền thờ phụng, coi ông là vị thần sông nước, cứu giúp nhân dân. Một trong số đó, nhân dân làng Phú Lương xưa (Quỳnh Lương ngày nay) cũng đã lập bài vị thờ phụng ông tại đền Quy Lĩnh, vừa để tỏ lòng biết ơn vị thống lĩnh, bảo vệ miền duyên hải, đã có công với dân với nước, vừa để cầu mong Ngài che chở, phù hộ độ trì cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, thoát khỏi mọi tai biến trong cuộc sống thường ngày.

    Đền Quy Lĩnh gắn liền với lịch sử, huyền thoại về nhân vật thờ. Cùng với đền Cờn, đền Quy Lĩnh được coi là nơi phát tích ra tín ngưỡng thờ “Tứ vị Thánh Nương”. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đền Quy Lĩnh là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, gắn liền với lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta dưới các triều đại phong kiến Trần, Lê cũng như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này. Trong những năm 1930-193, đền là địa điểm in ấn truyền đơn của Đảng; từ năm 1946-1953 đền là nơi truyền bá chữ quốc ngữ và là địa điểm treo băng rôn khẩu hiệu cổ động phong trào bình dân học vụ, góp phần thắng lợi vào cách mạng Việt Nam.

    Hàng năm, tại đền thường diễn ra nhiều kỳ lễ mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương cũng như phong tục tập quán truyền thống trọng đạo nghĩa của dân tộc như: Lễ sóc, Lễ vọng, Lễ Kỳ Lưu… Song lễ lớn nhất, thu hút đông đảo du khách và nhân dân về dự là Lễ Kỳ Lưu diễn ra vào ngày 20 -21 tháng giêng Âm lịch, cùng dịp với Lễ hội đền Cờn. Đặc biệt, trong kỳ lễ này diễn ra diễn ra tục Chạy Ói nhằm tái hiện lại cuộc tranh chấp bài vị, cây gỗ thần của hai làng Phương Cần và Phú Lương xưa. Vì vậy, từ xưa Lễ hội Kỳ Lưu ở đền Quy Lĩnh đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong Lễ hội đền Cờn.

     Với các vị thần được thờ, những sự kiện lịch sử, vị trí địa lý, cảnh quan, giá trị khoa học, văn hóa, nghệ thuật nêu trên, đền Quy Lĩnh được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử theo Quyết định số 3506/QĐ-UBND.VX ngày 12 tháng 8 năm 2013, là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của Di tích. Đây không chỉ là niềm vinh dự của Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Lương mà còn là niềm tự hào của nhân dân huyện Quỳnh Lưu và toàn tỉnh Nghệ An.

     Đầu xuân Giáp Ngọ 2014, ngày 19-02-2014 (tức là ngày 20 tháng Giêng Âm lịch), UBND huyện Quỳnh Lưu cùng UBND xã Quỳnh Lương long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đền Quy Lĩnh. Chúng ta luôn hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy hơn nữa giá trị của di tích lịch sử, để tô thắm thêm trang sử truyền thống văn hóa và cách mạng của quê hương xây dựng Quỳnh Lương trở thành xã giàu mạnh, văn minh và hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa tâm linh của huyện nhà.

    Trả lời

Viết một bình luận