Phân tích khổ cuối của bài thơ bếp lửa và khổ cuối của bài thơ ánh trăng

By Gianna

Phân tích khổ cuối của bài thơ bếp lửa và khổ cuối của bài thơ ánh trăng

0 bình luận về “Phân tích khổ cuối của bài thơ bếp lửa và khổ cuối của bài thơ ánh trăng”

  1. Khổ cuối bài thơ Bếp lửa

    Dù giờ đây, tuy không được ở gần bên bà, ở gần quê hương nhưng tâm hồn của người cháu vẫn luôn hướng về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi có người bà lặng lẽ, cô đơn:

    “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
    Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
    Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhớ:
    – Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”

    Bao năm dài đằng đẵng trôi qua. Đứa cháu năm xưa nay đã khôn lớn, được bà và tình yêu thương của bà chắp cánh bay tới những phương trời xa, rộng lớn; bay tới những cuộc sống đầy đủ, với nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khắp nơi, khắp chốn. Vậy mà cháu vẫn không nguôi nhớ bà, không quên ngọn lửa của bà. Câu hỏi tu từ như một lời tự vấn, lời độc thoại:

    “- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”

    Khép lại bài thơ thật khéo, thật hay, có sức ám ảnh day dứt trong tâm trí người đọc. Người cháu đang tự nhắc nhở bản thân mình luôn phải nhớ về “Bếp lửa” của quê hương, nhớ về bà, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chúng cháu phương xa. “Bếp lửa” vừa thực tế, vừa có ý nghĩa biểu tượng cho sự yêu thương, niềm tin, nguồn cội gia đình và quê hương, sức sống bền bỉ của con người.

    Bài thơ khép lại bằng một dấu câu đặc biệt, dấu chấm lửng. Dấu câu như gợi mở về một bài học đạo lý tha thiết: sống chung thủy, nhân nghĩa; phải có lòng biết ơn, có cách đối xử ân tình với gia đình, với láng giềng, với quê hương, với nguồn cội.

    Từ tình cảm bà cháu, bài thơ nâng dần thành tình cảm yêu làng quê, yêu Tổ quốc. Và hình tượng “bếp lửa” tượng trưng cho những kỷ niệm ấm lòng đã trở thành niềm tin thiêng liêng, kỳ diệu, in sâu vào tâm hồn tác giả; là hành trang để người cháu bước vào đời, nâng cánh ước mơ cho cháu ở những phương trời xa.

    Khổ cuối bài thơ Ánh trăng

    Hình ảnh vầng trăng là hình ảnh xuyên suốt bài thơ, tuy dung lượng bài thơ tương đối ngắn nhưng qua đó người đọc vẫn cảm nhận được những tình cảm, cảm xúc chân thành nhất của nhà thơ Nguyễn Duy với chính những kí ức đã qua của mình.

    Bẳng sự liên tưởng đầy độc đáo, Nguyễn Duy đã nói về những kí ức của một thời gian khổ nhưng đầy hào hùng thông qua hình ảnh ánh trăng, đặc biệt qua khổ thơ cuối thì tác giả đã thể hiện được trọn vẹn những tình cảm, sự day dứt đau đớn vì trong một lúc nào đó đã chót quên đi những tình nghĩa của một thời đã xa:

    “Trăng cứ tròn vành vạnh

    Kể chi người vô tình

    Ánh trăng im phăng phắc

    Đủ cho ta giật mình”

    Trong dòng tâm sự của tác giả Nguyễn Duy ta có thể thấy được, vầng trăng ở đây không đơn thuần chỉ là một hiện tượng của tự nhiên mà nó trở thành một sinh thể có sự sống, có cảm xúc, đó là biểu tượng cho những tình nghĩa, cho những dòng chảy của quá khứ.

    Vầng trăng đã trở thành một người bạn thân thiết, một người tri kỉ vì nó gắn bó với những kí ức của tuổi thơ, cùng nhà thơ vào chiến trường. Những kí ức, tình nghĩa đó quá sâu lặng mà nhà thơ ngỡ không thể nào quên. Nhưng khi đất nước đã được giải phóng, trở về với cuộc sống mới, chìm đắm vào guồng quay bất tận của cuộc sống mà nhà thơ đã quên đi những kí ức, quên đi người bạn tri kỉ ấy.

    Ta có thể thấy, khổ cuối của bài thơ đã dồn nén biết bao nhiêu nỗi niềm, tâm sự. Hình ảnh vầng trăng im phăng phắc thể hiện được sự tình nghĩa, thủy chung của ánh trăng, ánh trăng vẫn trong trẻo vô ngần như thế chỉ có con người là đổi khác. Nhà thơ đã thể hiện được sự tự trách nghiêm khắc với bản thân vì sự vô tình, đổi khác của mình.

    Trả lời
  2. Khổ cuối bài “Bếp lửa”

     Khổ cuối bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt là lời bộc bạch chân thành của người cháu khi đã lớn khôn, trưởng thành. Dù cho khoảng cách về không gian, thời gian có xa xôi “khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” nhưng người cháu vẫn luôn khắc khoải trong lòng nỗi nhớ khôn nguôi về bà, về bếp lửa:

    “Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

    – Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”

         Sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại, giữa “khói lửa” của cuộc sống hiện đại với bếp lửa bình dị, đơn sơ của bà đã cho thấy sức sống bất diệt của ngọn lửa mà bà nhóm lên trong mỗi sớm chiều luôn thường trực và sống mãi trong lòng của người cháu. Ngọn lửa ấy đã trở thành kỉ niệm của tuổi thơ về bà – một người truyền lửa, truyền sự sống, tình yêu thương và niềm tin “dai dẳng” bất diệt cho thế hệ tiếp nối. Chính vì thế nhớ về bà là nhớ về bếp lửa, nhớ về cội nguồn dân tộc. Bài thơ khép lại bằng câu hỏi tu từ thể hiện nỗi nhớ khôn nguôi và niềm hoài vọng xa xăm của người cháu luôn đau đáu, thiết tha nhớ tới tuổi thơ, nhớ tới gia đình, nhớ tới quê hương, đất nước.

    Khổ cuối bài thơ “Ánh trăng”

        Ở khổ cuối bài thơ “Ánh trăng”, vầng trăng đột ngột hiện ra với một vẻ đẹp ám ảnh lòng người. ’’Trăng cứ tròn vành vạnh”, thời điểm trăng tròn chính là vào ngày rằm hàng tháng. Câu thơ gợi đến vẻ đầy đặn, tròn trịa của vầng trăng và cũng là vẻ sáng tươi hiền dịu của thứ ánh sáng trong lành nhất vũ trụ. Đêm trăng tròn, trăng để khắp không gian tràn đi ánh sáng vàng dịu, sóng sánh như mật ngọt. Trăng như rải bạc trên mặt nước. Trăng như tưới sạch, làm đẹp, làm bóng lên những lùm cây. Trăng làm mặt người hớn hở vui cười. Và nói như nhà văn Nam Cao: trăng làm mọi thứ đẹp lên! Nhưng vẻ “tròn vành vạnh” của vầng trăng còn gợi đến một suy tưởng khác: vầng trăng còn tròn đầy “vành vạnh” nghĩa là trăng vẫn còn trọn vẹn những ân nghĩa xưa với những người lính năm nào. Và điều đáng quý, đáng nghĩ là trăng vẫn tròn ngay cả khi người đã “vô tình”:

    “Trăng cứ tròn vành vạnh

    Kể chi người vô tình”.

    Câu thơ gieo vào lòng người đọc một thoáng giật mình để rồi thấy ăn năn, day dứt. Vầng trăng kia cũng giống như bao con người, bao kí ức đẹp đẽ đã đi qua đời ta. Những con người cùa quá khứ, những kí ức xa xưa… tất thảy vẫn còn nguyên tấm lòng thuỷ chung trọn vẹn. Còn riêng ta, mới một chút phù hoa, danh lợi mà đã quên đi những ân tình, những thề nguyền thiêng liêng xưa cũ. Và rồi, ta càng thấy day dứt, băn khoăn hơn bởi khoảng lặng mênh mang của vầng trăng tròn cao thượng:

    “Ánh trăng im phăng phắc

    Đủ cho ta giật mình”.

    “Ánh trăng im phăng phắc” để ngân mãi những dòng ánh sáng toả đi khắp nhân gian. Điều đó cũng có nghĩa trăng mãi hao dung, hiền từ và độ lương. Cái đáng sợ là cái im lặng của kí ức. Ta dã quên đi quá khứ, ta đã có lỗi với người xưa để sống một cuộc đời ồn ào, náo nhiệt nhưng tất cả vẩn im lặng dõi theo ta với cái nhìn bao dung, rộng mở. Và chính bởi sự cao thượng ây đã khiến ta ”giật mình”. ”Giật mình để nhận ra sự cao đẹp của người xưa. “Giật mình” để nhận ra phần hờ hững, lãng quên đáng chê trách của mình. “Giật mình” còn để biết nhìn lại mình cho đúng. Tiền tài danh lợi, đó chưa phải là điều quý giá nhất ở đời. Phải biết sống có tình, có nghĩa, thuỷ chung trọn vẹn trước sau mới khiến lòng người sạch trong và thanh thản.

    Trả lời

Viết một bình luận