Viết bài cảm nghĩ về cuộc đời và tấm gương cụ Phan Đăng Lưu

By Parker

Viết bài cảm nghĩ về cuộc đời và tấm gương cụ Phan Đăng Lưu

0 bình luận về “Viết bài cảm nghĩ về cuộc đời và tấm gương cụ Phan Đăng Lưu”

  1. Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05-5-1902 ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành) huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước. Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí chính là một tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, bất khuất; về sự hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
    Sớm có hoạt động yêu nước và trở thành người cộng sản kiên trung, bất khuất

    Sinh ra trong cảnh loạn lạc, nước mất nhà tan, lại được giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, tinh thần yêu nước của dân tộc, Phan Đăng Lưu ngay từ rất sớm đã ấp ủ hoài bão cứu dân, cứu nước. Tốt nghiệp trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang với tấm bằng hạng ưu, Phan Đăng Lưu được bổ làm nhân viên tập sự tại Sở Canh nông Bắc Kỳ. Ngày 10-10-1924, người thanh niên ấy đến nhận việc tại Trại nuôi tằm Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) và một năm sau được đổi về Sở Canh nông Nghệ An. Là một thanh niên sớm có tư tưởng chống thực dân Pháp, Phan Đăng Lưu nhanh chóng bắt liên lạc với các thành viên trong Hội Phục Việt và tích cực tham gia các hoạt động yêu nước ở thành phố Vinh. Anh đã tìm đọc và phổ biến sách báo tiến bộ, bàn luận thời cuộc với những người yêu nước và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Biết rõ những hoạt động yêu nước của Phan Đăng Lưu, nhằm vô hiệu hóa những hoạt động yêu nước đó, chính quyền thực dân Pháp tìm cách luân chuyển anh làm nhiều công việc khác nhau, và cuối cùng, khâm sứ Trung Kỳ đã ra quyết định thải hồi vì những hoạt động yêu nước của người thanh niên này. Đây là một cơ hội tốt để Phan Đăng Lưu trở về quê hương hoạt động cách mạng.

    Về quê, Phan Đăng Lưu tiếp tục hoạt động, xây dựng nhiều tổ chức mới của Việt Nam cách mạng Đảng và Tân Việt. Tháng 02-1928, Phan Đăng Lưu được kết nạp vào Hội Phục Việt (lúc này hội đổi tên là Hưng Nam, sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng). Như vậy, từ một công chức, đồng chí đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trong tổ chức Tân Việt, được bầu làm Ủy viên Thường vụ của tổ chức này (tháng 7-1928). Cuối tháng 9-1928, Phan Đăng Lưu được Tổng bộ Tân Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc tìm cách hợp nhất Tân Việt với Thanh Niên. Chuyến đi không thành công do không thể tìm gặp được người nào của Thanh Niên. Tháng 5-1929, Phan Đăng Lưu về nước báo cáo rõ với tổ chức về tình hình của chuyến đi và tiếp tục đề đạt ý kiến với Tổng bộ Tân Việt kiên trì vận động hợp nhất với Thanh Niên theo hướng tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.

    Trước tình hình trong nước hình thành hai tổ chức cộng sản là Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội vào ngày 17-6-1929 và An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 8-1929 hoạt động tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, gây hậu quả xấu cho cách mạng, tháng 9-1929, Tổng bộ Tân Việt lại cử Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu lần thứ hai. Khi đang ở Hải Phòng để chuẩn bị sang Trung Quốc, do có kẻ phản bội chỉ điểm, Phan Đăng Lưu bị mật thám bắt đưa về giam ở nhà lao Vinh và bị Tòa Nam triều Nghệ An kết án 7 năm tù giam, đày lên nhà tù Ban Mê Thuột – một trong số nhà tù, nhà đày khắc nghiệt nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Hồi đó, tại nhà tù này có khoảng 500 người tù, trong đó phần lớn là tù chính trị của Tân Việt, Thanh Niên và tiếp đó là cộng sản.

    Điều đặc biệt là ở đây, trong số tù chính trị không có tù Quốc dân Đảng. Trong lao tù cùng với nhiều tù chính trị, đồng chí bị giam cầm, tra tấn dã man, nhưng vẫn kiên trì, bền bỉ đấu tranh. Cũng chính tại đây, đồng chí được chi bộ Đảng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia Ban lãnh đạo nhà tù. Đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Vì mục đích cách mạng, đồng chí triệt để lợi dụng mọi cơ hội nói chuyện với bạn tù chính trị; làm tờ báo bí mật trong nhà tù “Doãn Đê tuần báo” (Tuần báo của người Kinh và người Ê Đê), đã tuyên truyền, giác ngộ sự đoàn kết giữa người Kinh, binh lính và đồng bào Ê Đê. Đồng chí tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh trong nhà tù đòi mọi quyền lợi cho tù chính trị; đồng thời viết nhiều bài gửi ra bên ngoài tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở nhà tù Buôn Ma Thuột. Đồng chí còn tìm cách gửi thư về nhà, thông qua gia đình gửi tới Ủy ban vận động đại xá tù chính trị Đông Dương của Đảng Cộng sản Pháp (1).

    Giữa năm 1936, phong trào đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ và thả tù chính trị dấy lên ở Pháp và Đông Dương. Thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải thả một số tù chính trị, trong đó có Phan Đăng Lưu. Ra khỏi tù, đồng chí về hoạt động tại Huế trong sự kiểm soát của mật thám Pháp. Cuối tháng 11-1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và giải về Khám lớn Sài Gòn, dùng đủ mọi mánh khóe, thủ đoạn xảo quyệt, dã man để mua chuộc và tra tấn, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản…

    Với những kinh nghiệm trong quá trình lăn lộn để hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn giữ thái độ bình tĩnh khi bị đưa đến giam tại khám lớn Sài Gòn, một khám đường lớn nhất đặt giữa lòng thành phố để phục vụ cho mục đích giam cầm, hành hạ tra tấn những người chiến sĩ cộng sản của thực dân Pháp. Chúng áp dụng mọi thủ đoạn tàn nhẫn để bắt đồng chí phải khai báo những bí mật của cách mạng, nhưng với lòng gan dạ và sự trung thành tuyệt đối của mình, đồng chí trước sau không hề khai báo điều gì làm phương hại đến cách mạng.

    Trong lao tù, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn tìm cách truyền hơi ấm của tình đồng chí, đồng đội, truyền ngọn lửa cách mạng của người cộng sản kiên trung bất khuất cho anh em, những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí dạy cho anh em học văn hóa, học tiếng Trung Quốc, cùng họ hát lên những khúc ca hùng tráng của bài quốc tế ca… Xác định phương châm còn sống còn cống hiến, còn sống còn làm việc phục vụ cho Tổ quốc và cho cách mạng, bất chấp chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, cũng như sự kiểm soát gắt gao của bọn lính gác, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cùng anh em trong tù tổ chức kiểm điểm tập thể để rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc kiểm điểm bị bọn lính gác dẹp bỏ song nó chứng tỏ khát khao cháy bỏng được sống và làm việc quên mình của anh.

    Tháng 3-1938, Xứ uỷ Trung Kỳ được thành lập lại, đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu vào Xứ uỷ Trung Kỳ và Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phụ trách hoạt động công khai ở Huế, đóng góp tích cực vào phong trào báo chí và cuộc vận động Đông Dương đại hội. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng về không tẩy chay tuyển cử mà tham gia tuyển cử. Trên cơ sở đó, đồng chí Phan Đăng Lưu đã xây dựng bản chương trình hành động cụ thể, thiết thực; thảo luận thống nhất việc chọn người ra tranh cử có cả đảng viên và cảm tình của Đảng; đánh bại âm mưu, hành động của chính quyền thực dân và tay sai bằng những nghệ thuật biện chứng tài tình như lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, sử dụng linh hoạt diễn đàn đấu tranh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Báo chí và văn học nghệ thuật được coi là mặt trận chủ công mà đồng chí là cây bút chủ lực. Nổi bật là các báo Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến, Dân muốn… Nhờ đó, cuộc đấu tranh vào Viện dân biểu do đồng chí Phan Đăng Lưu làm Tổng Tư lệnh, đã thắng lợi rực rỡ (tất cả 18 ứng cử viên do Đảng đưa ra tranh cử đều trúng cử ngay từ vòng đầu và đều nắm các chức vụ chủ chốt trong Viện). Đánh giá về thắng lợi này, Đảng ta ghi rõ: “…18 căng-đi-đa ở Trung Kỳ xu hướng về Mặt trận bình dân được đắc cử là những thắng lợi rất vẻ vang của Đảng ta” (2).

    Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. “Chiến lược cách mệnh tư sản dân quyền bây giời cũng phải thay đổi ít nhiều cho hợp với tình thế mới” (3). Đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương triệu tập vào Nam Kỳ hoạt động. Đồng chí góp phần tích cực vào việc vạch đường lối, sách lược, chuyển hướng cách mạng của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (từ ngày 6 đến ngày 08-11-1939), đồng chí được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Cùng Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đã góp phần to lớn và tích cực đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.

    Có thể nói, năm 1940 là thời điểm lịch sử nặng nề đặt ra trước Trung ương Đảng ta và vai trò trách nhiệm của đồng chí Phan Đăng Lưu. Ngày 17-01-1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn bị bắt. Ngày 06-02-1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai. Ngày 30-3-1940 đồng chí Hà Huy Tập cũng bị bắt lần thứ hai. Tiếp đến đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt ngày 21-4-1940. Số ủy viên Trung ương còn lại hoạt động trong nước chỉ có đồng chí Phan Đăng Lưu. Nhiều chỉ thị của đồng chí, nhân danh Ban chấp hành Trung ương, được thi hành trong Đảng trên toàn quốc nhằm vận dụng thời cơ, xiết chặt kỷ luật, củng cố tổ chức đi vào hoạt động bí mật và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức đấu tranh cho phù hợp với giai đoạn chuyển hướng chỉ đạo cách mạng trên tinh thần đặt yêu cầu “dân tộc giải phóng” lên hàng đầu, đặc biệt là chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng võ trang, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu của Đảng…

    Tháng 7-1940, với tư cách là đại diện của Trung ương ở Nam Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu đã dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ bàn về kế hoạch khởi nghĩa của Xứ ủy. Với tầm nhìn toàn cuộc về thời cơ khởi nghĩa, đồng chí đã chỉ đạo tạm hoãn cuộc khởi nghĩa chờ “xin chỉ thị của Trung ương”. Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ đã nhất trí với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phan Đăng Lưu. Đề xuất ý kiến này cũng có nghĩa là trước đó đồng chí đã cân nhắc kỹ và tự đặt lên vai mình một trọng trách phải tổ chức tái lập Ban chấp hành Trung ương không phải ở Nam Kỳ mà phải ở Bắc Kỳ. Đây là trọng trách lớn nhất, có ý nghĩa sống còn của Đảng và của cách mạng nước ta.

    Tạm trì hoãn được cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu bí mật bắt tay ngay vào chuẩn bị cho Hội nghị tái lập Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau ba tháng chuẩn bị, vào giữa tháng 10-1940, đồng chí bí mật rời Nam Kỳ ra gặp Xứ ủy Trung Kỳ và Bắc Kỳ, họp và cùng với Xứ ủy Bắc Kỳ thống nhất tổ chức Hội nghị tái lập Ban chấp hành Trung ương. Hội nghị này được gọi là Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bẩy. Như vậy, trước khi gặp được Xứ ủy Bắc Kỳ, công việc chuẩn bị cho Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương do Phan Đăng Lưu tự đề ra, tự chuẩn bị và tự móc nối. Khi gặp và họp bàn với Xứ ủy Bắc Kỳ thì việc trù bị về nội dung và chương trình tổ chức Hội nghị để tái lập Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Phan Đăng Lưu và Xứ ủy Bắc Kỳ cùng phối hợp thực hiện.

    Từ ngày 06 đến ngày 09-11-1940, tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Hội nghị Trung ương bẩy đã được nhóm họp do đồng chí Phan Đăng Lưu chủ trì. Hội nghị đã cử Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí Trường Chinh được cử làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương tiếp tục thực hiện đường lối do Hội nghị Trung ương sáu đề ra, nhằm tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa giành lại non sông đất nước khi thời cơ xuất hiện do diễn biến của chiến tranh thế giới và tình hình trong nước tạo ra. Trong đó có quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu trở lại Nam Kỳ truyền đạt quyết định đó cho Xứ ủy Trung kỳ và Nam Kỳ.

    Sự thành công của Hội nghị Trung ương bẩy có sự đóng góp quyết định của đồng chí Phan Đăng Lưu, với ba thành công nổi bật: Một là, chủ trương và góp phần chủ đạo tổ chức thành công Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bảy. Hai là, chủ động đề cử thành công đồng chí Trường Chinh vào chức vụ Quyền Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ba là, theo đề nghị của đồng chí Phan Đăng Lưu, cơ quan Trung ương cũng được chuyển từ Nam ra Bắc. Đó là những đóng góp tầm chiến lược của đồng chí đối với cách mạng nước nhà. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời vừa kết thúc, đồng chí Phan Đăng Lưu lập tức lên đường vào Nam kỳ để truyền đạt quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời (4).

    Về đến Sài Gòn lúc 7 giờ tối ngày 22-11-1940, chưa kịp truyền đạt Chỉ thị của Trung ương thì đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám Pháp bắt. Trong đêm đó, đồng chí Tạ Uyên và nhiều người trong Xứ ủy, cấp ủy các cấp cũng bị địch bắt. Cơ quan đầu não lãnh đạo khởi nghĩa không còn. Tuy nhiên, lệnh khởi nghĩa đã truyền đến các địa phương trong toàn Xứ. 23h ngày 22-11-1940, nhân dân đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa ở 19/22 tỉnh, thành phố từ Biên Hòa đến Cà Mau với một khí thế quyết liệt. Đi tiên phong và giành thắng lợi bước đầu là khởi nghĩa ở các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Gò Công, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… Nhiều nơi ở Mỹ Tho, Vĩnh Long lần đầu tiên xuất hiện cờ đỏ sao vàng, lập chính quyền cách mạng ở thôn, xã. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dìm trong bể máu do kế hoạch bị bại lộ. Hàng vạn chiến sĩ và quần chúng cách mạng bị địch bắt, tù đày, bắn giết.

    Tòa án binh của chính quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn trong các phiên xử ngày 25-3-1941 và ngày 03-4-1941 đã kết án tử hình đồng chí Phan Đăng Lưu. Bị dư luận nhân dân phản đối, ngày 28-8-1941, thực dân Pháp lén lút bí mật đem đồng chí Phan Đăng Lưu và đồng chí Nguyễn Văn Cừ bắn tại ngã ba Giồng, xã Tân Thới Thượng (Hóc Môn, Gia Định). Khi bị tuyên án tử hình, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn bình tĩnh, kiên định, tỏ rõ mình là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nguyện trọn đời hy sinh cho cách mạng: “Tôi không sợ chết, nhưng chúng xử tôi khổ sai chung thân đầy ra Côn Đảo thì hơn. Còn sống, nhất định tôi tìm được cách vượt ngục để về hoạt động”(5). Đồng chí Phan Đăng Lưu hy sinh khi mới 39 tuổi, để lại nuỗi tiếc thương khôn nguôi cho đồng bào, đồng chí và sự khâm phục của chính những kẻ đã buộc tội, kết án, giết hại đồng chí.

    Đồng chí Phan Đăng Lưu đã đi vào lịch sử, nhưng dấu ấn còn để lại mãi thiên thu, vì sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã gieo mầm tái sinh cho sự sống. Đồng chí ngã xuống, nhưng tinh thần kiên trung của người cộng sản Phan Đăng Lưu đã trở thành bất tử trong đồng bào, đồng chí và bao thế hệ cách mạng. Tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí mãi mãi sáng ngời đối với non sông, đất nước Việt Nam. Đồng chí thật xứng đáng là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và của cách mạng Việt Nam.

    Trả lời

Viết một bình luận